Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo, có vai trò rất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể, gồm có thị lực, hệ miễn dịch, khả năng sinh sản và làn da. Thiếu vitamin A có thể gây viêm da, quáng gà, vô sinh, chậm lớn và nhiễm trùng đường hô hấp.
8 dấu hiệu thiếu hụt vitamin A
Có hai dạng vitamin A được tìm thấy trong thực phẩm là vitamin A đã chuyển hóa (preformed vitamin A) và tiền chất của vitamin A (provitamin A).
Vitamin A đã chuyển hóa còn được gọi là retinol và thường có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa.
Trong khi đó, tiền chất của vitamin A (carotenoid) có chủ yếu trong các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, ví dụ như trái cây và rau củ màu đỏ, xanh, vàng và cam. Carotenoid được cơ thể chuyển đổi thành vitamin A.
Mặc dù vitamin A có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm khác nhau nhưng không ít người vẫn bị thiếu hụt loại vitamin này.
Những người có nguy cơ thiếu hụt cao nhất là phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngoài ra, bệnh xơ nang và tiêu chảy mãn tính cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu vitamin A.
Dưới đây là 8 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu vitamin A.
Các dấu hiệu thiếu vitamin A
1. Da khô
Vitamin A là chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với quá trình sản sinh và phục hồi các tế bào da. Vitamin này còn giúp chống lại phản ứng viêm do một số vấn đề về da.
Không bổ sung đủ vitamin A có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm da cơ địa (bệnh chàm) và các bệnh da liễu khác.
Viêm da cơ địa có triệu chứng là da khô, ngứa và viêm. Một số nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng alitretinoin (một dạng vitamin A) có hiệu quả trong điều trị bệnh viêm da cơ địa.
Trong một nghiên cứu kéo dài 12 tuần ở người bị bệnh viêm da cơ địa, những người uống 10 – 40 mg alitretinoin mỗi ngày đã giảm được 53% các triệu chứng. (1)
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho da khô nhưng thiếu vitamin A mãn tính có thể là một trong số đó.
Tóm tắt: Vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với khả năng sản sinh và phục hồi tế bào da, đồng thời giúp giảm phản ứng viêm trong da. Sự thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến các bệnh viêm da.
2. Khô mắt
Các vấn đề về mắt là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất của tình trạng thiếu vitamin A.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, sự thiếu hụt vitamin A còn có thể dẫn đến mù hoàn toàn hay khô giác mạc với biểu hiện đặc trưng là các vệt bitot.
Khô mắt xảy ra do khả năng tiết nước mắt bị giảm và là một trong những dấu hiệu đầu tiên khi bị thiếu vitamin A.
Trẻ nhỏ có chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng là nhóm đối tượng có nguy cơ bị khô mắt cao nhất.
Uống bổ sung vitamin A có thể cải thiện tình trạng này.
Một nghiên cứu cho thấy rằng việc uống vitamin A liều cao trong 16 tháng giúp làm giảm 63% nguy cơ khô mắt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. (2)
Tóm tắt: Thiếu vitamin A có thể dẫn đến khô mắt, mù lòa hoặc khô giác mạc. Một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng thiếu hụt vitamin A thường là giảm khả năng tiết nước mắt.
3. Quáng gà
Thiếu vitamin A nghiêm trọng có thể dẫn đến bệnh quáng gà.
Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh quáng gà ở mức cao nhất tại những quốc gia mà chế độ ăn uống của người dân không đủ dinh dưỡng, bao gồm cả vitamin A.
Mặt khác, tăng lượng vitamin A trong cơ thể sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị quáng gà.
Trong một nghiên cứu, những phụ nữ bị quáng gà được cho bổ sung vitamin A theo hai cách: ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A hoặc dùng viên uống vitamin A. Kết quả cho thấy cả hai cách này đều giúp cải thiện tình trạng bệnh. Khả năng thích ứng của mắt trong bóng tối đã tăng hơn 50% trong vòng 6 tuần bổ sung vitamin A. (3)
Tóm tắt: Bổ sung đủ lượng vitamin A là điều rất quan trọng đối với sức khỏe mắt. Một vài dấu hiệu đầu tiên của tình trạng thiếu vitamin A là khô mắt và quáng gà.
4. Khó thụ thai
Vitamin A cần thiết cho chức năng sinh sản ở cả nam giới và nữ giới. Chất dinh dưỡng này còn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi.
Một trong những nguyên nhân gây khó thụ thai có thể là do bị thiếu vitamin A. Thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến vô sinh ở cả nam và nữ.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy những con chuột cái bị thiếu vitamin A đều khó thụ thai hoặc phôi thai bị dị tật.
Nghiên cứu trên người cho thấy những nam giới vô sinh cần nhiều chất chống oxy hóa hơn do có mức độ stress oxy hóa trong cơ thể ở mức cao hơn bình thường. Vitamin A là một trong những chất dinh dưỡng có đặc tính chống oxy hóa. (4)
Thiếu vitamin A còn làm tăng nguy cơ sảy thai.
Một nghiên cứu đã phân tích mẫu máu để đo nồng độ các chất dinh dưỡng khác nhau ở những phụ nữ bị sảy thai liên tiếp và kết quả cho thấy những người này đều có nồng độ vitamin A ở mức thấp.
Tóm tắt: Cả nam giới và phụ nữ bị thiếu vitamin A đều có thể gặp các vấn đề về khả năng sinh sản. Nồng độ vitamin A thấp ở phụ nữ mang thai còn có thể dẫn đến sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh.
5. Chậm tăng trưởng
Trẻ nhỏ không được bổ sung đủ vitamin A có thể bị chậm tăng trưởng. Lý do là bởi vitamin A là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể con người.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc uống bổ sung một mình vitamin A hoặc kết hợp với các chất dinh dưỡng khác đều giúp thúc đẩy sự tăng trưởng.
Một nghiên cứu trên 1.000 trẻ em ở Indonesia cho thấy những trẻ bị thiếu vitamin A và được cho uống bổ sung liều cao trong 4 tháng đã tăng thêm 0,39 cm chiều cao so với những trẻ dùng giả dược. (5)
Theo một bản đánh giá gồm nhiều nghiên cứu thì việc uống bổ sung vitamin A cùng với các chất dinh dưỡng khác sẽ có tác động lớn hơn đến sự tăng trưởng của trẻ so với khi chỉ bổ sung vitamin A.
Ví dụ, trong một nghiên cứu được thực hiện ở trẻ em bị còi cọc tại Nam Phi, những trẻ được uống bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất có chỉ số tăng trưởng cao hơn nửa điểm so với những trẻ cùng tuổi chỉ uống mình vitamin A.
Tóm tắt: Thiếu vitamin A có thể gây ra tình trạng chậm tăng trưởng ở trẻ nhỏ. Bổ sung vitamin A kết hợp với các chất dinh dưỡng khác sẽ giúp cải thiện sự phát triển hiệu quả hơn so với chỉ bổ sung vitamin A.
6. Mắc các bệnh nhiễm trùng
Thường xuyên mắc các bệnh do nhiễm trùng, đặc biệt là ở họng hoặc vùng ngực, có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin A.
Uống bổ sung vitamin A có thể giúp giảm nguy cơ và hỗ trợ điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nhưng các kết quả nghiên cứu về chủ đề này vẫn chưa thống nhất.
Một nghiên cứu ở trẻ em ở Ecuador cho thấy những trẻ thiếu cân uống 10.000 IU vitamin A mỗi tuần ít bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn so với những trẻ dùng giả dược. (6)
Tuy nhiên, một bản đánh giá gồm nhiều nghiên cứu được thực hiện ở trẻ em cho thấy uống bổ sung vitamin A có thể làm tăng 8% nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ở họng và vùng ngực. (7)
Do đó, các nhà nghiên cứu khuyến nghị chỉ khi thực sự bị thiếu vitamin A thì mới cần uống bổ sung.
Theo một nghiên cứu ở người cao tuổi, nồng độ beta caroten (một loại tiền chất của vitamin A) trong máu ở mức cao có thể bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Tóm tắt: Ở trẻ nhỏ bị thiếu cân, việc bổ sung vitamin A có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nhưng điều này lại làm tăng nguy cơ bị bệnh ở các nhóm đối tượng khác không bị thiếu hụt vitamin A. Người cao tuổi có nồng độ vitamin A trong máu cao có thể ít bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn.
7. Vết thương chậm lành
Vết thương lâu lành sau chấn thương hoặc phẫu thuật có thể là do lượng vitamin A trong cơ thể đang ở mức thấp.
Vitamin A thúc đẩy sự sản sinh collagen – một thành phần quan trọng tạo nên làn da khỏe mạnh. Nghiên cứu cho thấy rằng cả vitamin A dạng uống và dạng bôi đều có lợi cho làn da.
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy rằng vitamin A đường uống giúp cải thiện sự sản xuất collagen. Điều này được quan sát thấy ở cả những con chuột đang được cho uống steroid – chất gây cản trở quá trình lành vết thương. (8)
Các nghiên cứu khác trên chuột cũng cho thấy việc sử dụng vitamin A tại chỗ giúp ngăn ngừa các tổn thương da do bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu trên người cũng cho kết quả tương tự. Những nam giới cao tuổi bị loét da và điều trị bằng vitamin A bôi tại chỗ đã giảm được 50% kích thước vết thương so với những người không điều trị bằng vitamin A. (9)
Tóm tắt: Vitamin A dạng uống và dạng bôi đều giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương da.
8. Nổi mụn trứng cá
Vì vitamin A thúc đẩy sự phát triển của tế bào da và chống lại phản ứng viêm nên loại vitamin này có thể giúp ngăn ngừa và trị mụn trứng cá.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng nồng độ vitamin A thấp làm tăng nguy cơ hình thành mụn trứng cá.
Trong một nghiên cứu ở 200 người lớn, những người bị mụn trứng cá có nồng độ vitamin A trong máu thấp hơn 80 mcg so với những người không bị mụn. (10)
Vitamin A đường uống và dạng bôi tại chỗ đều có tác dụng trị mụn trứng cá. Nghiên cứu cho thấy các loại kem bôi da có chứa vitamin A có thể làm giảm 50% tình trạng mụn.
Dạng vitamin A đường uống được sử dụng phổ biến để trị mụn trứng cá là isotretinoin hay Accutane. Mặc dù có hiệu quả cao nhưng isotretinoin lại có thể gây ra các tác dụng phụ như thay đổi tâm trạng và dị tật bẩm sinh nếu dùng cho phụ nữ mang thai.
Tóm tắt: Mụn trứng cá có thể là do không bổ sung đủ vitamin A. Cả vitamin A đường uống và bôi tại chỗ đều có tác dụng trị mụn nhưng vitamin A đường uống đi kèm với nhiều tác dụng phụ.
Tác hại của việc bổ sung quá nhiều vitamin A
Mặc dù vitamin A có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng bổ sung quá nhiều sẽ gây hại.
Ngộ độc vitamin A – tình trạng nồng độ vitamin A trong cơ thể tăng quá cao – thường xảy ra do dùng viên uống bổ sung liều cao trong thời gian dài. Điều này gần như không thể xảy ra nếu chỉ bổ sung vitamin A từ thực phẩm.
Lượng vitamin A thừa được tích trữ trong gan và có thể dẫn đến ngộ độc với các dấu hiệu, triệu chứng như suy giảm thị lực, sưng đau khớp xương, khô da bong tróc, loét miệng và lú lẫn.
Phụ nữ mang thai cần đặc biệt chú ý không được tiêu thụ quá nhiều vitamin A để tránh xảy ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Tốt nhất nên đi khám để làm xét nghiệm đo nồng độ vitamin A trước khi uống bổ sung.
Những người đang mắc một số bệnh nhất định sẽ cần nhiều vitamin A hơn. Tuy nhiên, hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh đều cần 700 – 900 mcg vitamin A mỗi ngày, phụ nữ đang cho con bú cần 1,200 đến 1,300 mcg và trẻ nhỏ cần 400 – 700 mcg, tùy độ tuổi cụ thể.
Tóm tắt: Ngộ độc vitamin A thường xảy ra do uống vitamin A liều cao. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, gồm có thay đổi thị lực, loét miệng, lú lẫn và dị tật bẩm sinh.
Tóm tắt bài viết
Thiếu vitamin A có thể gây viêm da, quáng gà, vô sinh, chậm lớn và nhiễm trùng đường hô hấp.
Những người dễ bị tổn thương da và mụn trứng cá thường có nồng độ vitamin A trong máu thấp và có thể khắc phục bằng cách bổ sung vitamin A.
Vitamin A có trong nhiều loại thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt, sữa và trứng cũng như là các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, ví dụ như rau củ quả có màu đỏ, cam, vàng và xanh. Nên ăn nhiều những loại thực phẩm này để cung cấp đủ vitamin A cần thiết cho cơ thể.
Nếu chế độ ăn không có đủ lượng vitamin A và có các dấu hiệu thiếu hụt thì có thể dùng viên uống bổ sung để khắc phục nhưng tốt nhất nên đi khám để được chẩn đoán chính xác vấn đề và được hướng dẫn bổ sung một cách hiệu quả, an toàn.