Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát mức đường huyết, những người mắc bệnh tiểu đường còn phải điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như hạn chế đồ ăn thức uống có đường và ăn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, việc lựa chọn đúng loại chất béo trong chế độ ăn cũng rất quan trọng.
Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu dừa là lựa chọn lành mạnh hơn so với mỡ động vật và một số loại dầu thực vật nhưng liệu rằng dầu dừa có phù hợp với chế độ ăn của người bị tiểu đường hay không?
Dầu dừa là gì?
Dầu dừa là loại dầu được chiết xuất từ phần cùi của những trái dừa già. Dầu dừa rất giàu chất chống oxy hóa và chất béo trung tính chuỗi trung bình có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể. Một ưu điểm nữa của loại dầu này là hàm lượng cholesterol thấp.
Dầu dừa có mùi thơm ngọt, vị ngậy béo và có thể được dùng để thay cho mỡ động vật, bơ và một số loại dầu khác trong làm bánh hoặc nấu ăn.
Dầu dừa không chỉ được dùng làm thực phẩm mà còn có nhiều công dụng trong làm đẹp, chẳng hạn như:
- Dưỡng ẩm da tự nhiên
- Dưỡng tóc mềm mượt, chắc khỏe
- Dưỡng mềm môi
- Làm dài và dày lông mi
- Thành phần trong nhiều sản phẩm dưỡng da và tóc
Dầu dừa và dầu MCT
Dầu dừa chứa một số loại chất béo trung tính chuỗi trung bình (medium-chain triglycerides – MCT). Đây là nhóm chất béo được cơ thể chuyển hóa theo một cách khác với chất béo trung tính chuỗi dài (long-chain triglycerides – LCT).
Cụ thể, dầu dừa gồm có 4 loại MCT là:
- Axit lauric: 47,5%
- Axit caprylic: 8%
- Axit capric: 7%
- Axit caproic: 0,5%
Sau khi vào cơ thể, MCT được tiêu hóa và hấp thụ nhanh chóng. Những chất béo này sử dụng làm nguồn năng lượng tức thì. So với LCT, MCT ít được tích trữ dưới dạng mỡ trong cơ thể hơn và thậm chí còn có lợi cho việc giảm cân. (1)
Do có nhiều lợi ích cho sức khỏe nên MCT được phân tách từ một số loại dầu như dầu dừa và dầu cọ để sản xuất ra dầu MCT (MCT oil). Dầu MCT khác với dầu dừa ở nồng độ MCT. Trong khi dầu MCT có chứa 100% MCT thì dầu dừa chỉ có khoảng 62% MCT.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về hàm lượng MCT có trong dầu dừa.
Lý do là bởi axit lauric – loại MCT chính trong dầu dừa – được tiêu hóa và hấp thụ rất chậm và có hoạt động giống với LCT trong cơ thể hơn là MCT.
Do đó, kết quả của các nghiên cứu cho thấy lợi ích của dầu MCT có thể không đúng với dầu dừa.
Tóm tắt: Dầu dừa rất giàu chất chống oxy hóa và ít cholesterol. Loại dầu này có thể thay thế cho bơ, mỡ động vật và một số loại dầu khác trong nấu nướng. Ngoài ra, dầu dừa chứa một số loại chất béo trung tính chuỗi trung bình – nhóm chất béo có lợi cho sức khỏe.
Các lợi ích của dầu dừa đối với sức khỏe
Dầu dừa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và dưới đây là một số lợi ích chính.
Hỗ trợ kiểm soát cân nặng
Một số nghiên cứu cho thấy rằng dầu dừa có thể giúp thúc đẩy giảm cân khi được kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh.
Một nghiên cứu nhỏ cho thấy rằng ăn dầu dừa giúp làm tăng khối lượng nạc (khối lượng cơ thể trừ đi khối lượng mỡ) hiệu quả hơn so với dầu đậu phộng sau khoảng thời gian 8 tuần.
Trong một nghiên cứu khác, những nam giới ăn 2 muỗng canh (30ml) dầu dừa nguyên chất trong 4 tuần đã giảm đáng kể lượng mỡ bụng.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dầu dừa không có tác động đến việc giảm cân hay giảm mỡ trong cơ thể khi so với các nguồn chất béo tốt khác. (2)
Như vậy là sẽ cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm tra xem dầu dừa có ảnh hưởng như thế nào đến cân nặng.
Giàu chất chống oxy hóa
Một số nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra rằng dầu dừa nguyên chất chứa nhiều chất chống oxy hóa – những hợp chất có khả năng trung hòa gốc tự do và bảo vệ các tế bào cơ thể khỏi tổn thương.
Chất chống oxy hóa có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và giúp ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính:
- Béo phì
- Bệnh tim mạch
- Bệnh tiểu đường tuýp 2
Để có được các lợi ích của dầu dừa một cách tối đa thì nên chọn dầu dừa nguyên chất vì loại dầu này không qua các bước xử lý như tẩy trắng hay khử mùi sau khi ép nên giữ được trọn vẹn các thành phần tự nhiên và không chứa hóa chất gây hại.
Tóm tắt: Dầu dừa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như hỗ trợ kiểm soát cân nặng, bảo vệ các tế bào khỏi tổn hại do gốc tự do, ngăn ngừa các bệnh mãn tính như béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2.
Tác động của dầu dừa đến bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2
Một số bằng chứng cho thấy dầu dừa có lợi cho bệnh tiểu đường tuýp 2.
Một nghiên cứu trên động vật vào năm 2016 cho thấy rằng thêm dầu dừa nguyên chất vào chế độ ăn nhiều đường fructose giúp cải thiện mức đường huyết và nồng độ chất chống oxy hóa.
Trong một nghiên cứu nhỏ được thực hiện trên 9 nam giới khỏe mạnh, việc ăn dầu dừa trong 8 tuần giúp tăng cường độ nhạy insulin, có nghĩa là cải thiện khả năng sử dụng insulin của cơ thể, giúp đường được vận chuyển từ máu vào các tế bào hiệu quả hơn và nhờ đó giúp giữ cho lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh. (3)
Một nghiên cứu trên động vật đã phát hiện thấy rằng những con chuột mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sau khi được cho ăn dầu dừa đã giảm nồng độ cholesterol trong máu và tăng khả năng dung nạp glucose.
Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để kiểm chứng tác động của dầu dừa đến bệnh tiểu đường tuýp 2. Ngoài ra, hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về ảnh hưởng của việc ăn dầu dừa ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1.
Tóm tắt: Một số nghiên cứu cho thấy dầu dừa có thể có lợi cho bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng cần có nhiều nghiên cứu hơn bao gồm cả con người để xác nhận những tác dụng này. Các nghiên cứu bổ sung cũng cần thiết để xác định cách dầu dừa ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường tuýp 1.
Tác hại của dầu dừa
Mặc dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cần nhớ rằng dầu dừa chứa hàm lượng lớn chất béo bão hòa.
Tuy rằng các nghiên cứu cho thấy ăn chất béo bão hòa không liên quan trực tiếp đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhưng chất béo bão hòa có thể làm tăng mức cholesterol và đây là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch. (4)
Hơn nữa, dầu dừa có thể làm tăng nồng độ lipoprotein mật độ thấp (LDL) lên cao hơn đáng kể so với các loại dầu có nguồn gốc từ thực vật khác như dầu quả bơ và dầu ô liu. LDL được gọi là cholesterol xấu do dẫn đến tích tụ cholesterol trong lòng động mạch.
Theo khuyến nghị, lượng chất béo bão hòa không nên vượt quá 10% tổng lượng calo nạp vào hàng ngày. (5)
Nên thay chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa trong chế độ ăn uống, ví dụ như dầu ô liu và dầu thực vật để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Hơn nữa, dầu dừa có lượng calo cao nên có thể góp phần gây tăng cân nếu ăn quá nhiều.
Tóm tắt: Mặc dù dầu dừa có lợi cho sức khỏe nhưng hàm lượng chất béo bão hòa cao trong loại dầu này có thể làm tăng mức cholesterol. Thêm nữa, dầu dừa còn chứa nhiều calo nên nếu ăn quá nhiều thì sẽ dẫn đến tăng cân.
Cách thêm dầu dừa vào chế độ ăn uống
Nếu quyết định thêm dầu dừa vào chế độ ăn uống thì cần lưu ý là chỉ nên ăn một cách vừa phải. Thi thoảng có thể dùng dầu dừa để nấu ăn thay cho mỡ động vật hoặc các loại dầu khác.
Dầu dừa có dạng rắn ở nhiệt độ mát nên nếu muốn sử dụng dầu dừa để làm bánh thì cần đun chảy dầu trước khi trộn với các nguyên liệu khác. Các nguyên liệu khác cũng cần được để ở nhiệt độ phòng, điều này giúp tránh dầu dừa bị đông lại và gây vón cục.
Một điều nữa cần lưu ý là dầu dừa, đặc biệt là dầu dừa nguyên chất, có mùi đặc trưng nên có thể sẽ làm thay đổi mùi vị của món ăn.
Tóm tắt: Có nhiều cách thêm dầu dừa vào chế độ ăn uống nhưng lưu ý là chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải
Tóm tắt bài viết
Dầu dừa có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng do giàu chất béo bão hòa nên ăn dầu dừa có thể làm tăng mức cholesterol. Dầu dừa còn chứa nhiều calo nên có thể góp phần gây tăng cân nếu thường xuyên ăn nhiều.
Mặc dù các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra một số lợi ích của dầu dừa nhưng mới có rất ít nghiên cứu trên người về tác động của dầu dừa đến bệnh tiểu đường.
Do đó, tốt hơn hết vẫn nên chọn các nguồn chất béo có lợi cho tim mạch, chẳng hạn như dầu ô liu. Nếu chọn dầu dừa thì chỉ nên ăn vừa phải và kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh.