Bổ sung axit béo omega-3 có thể giúp điều trị trầm cảm

Não bộ của chúng ta cần axit béo omega-3 để hoạt động bình thường. Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị trầm cảm bị thiếu hụt EPA và DHA. Đây là tiền đề được các nhà khoa học sử dụng khi nghiên cứu những lợi ích của việc bổ sung omega-3 trong điều trị chứng trầm cảm.

Bổ sung axit béo omega-3 có thể giúp điều trị trầm cảmBổ sung axit béo omega-3 có thể giúp điều trị trầm cảm

Axit béo omgega-3 là gì?

Omega-3 là một loại axit béo có vai trò vô cùng quan trọng đối với nhiều chức năng trong cơ thể. Omega-3 đã và đang được nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động đối với sức khỏe tim mạch, phản ứng viêm và cả sức khỏe tâm thần.

Vậy các nghiên cứu cho thấy gì?

Trong hơn 10 năm, các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của axit béo omega-3 đến bệnh trầm cảm, cũng như là các rối loạn tâm thần và hành vi khác. Mặc dù các nghiên cứu đều mới được thực hiện gần đây và cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi đưa ra kết luận nhưng kết quả cho đến thời điểm hiện tại vẫn đầy hứa hẹn. Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng axit béo omega-3 có tác dụng hỗ trợ trong việc điều trị một số dạng trầm cảm.

Nguồn cung cấp omega-3

Có ba loại omega-3 chính trong chế độ ăn uống là DHA (axit docosahexaenoic), EPA (axit eicosapentaenoic) và ALA (axit alpha-linolenic). DHA và EPA được tìm thấy với hàm lượng lớn trong các loại cá và dầu cá. Cách hiệu quả để bổ sung hai loại omega-3 này cho cơ thể là ăn nhiều cá hoặc dùng thực phẩm chức năng dầu cá.

Thường xuyên ăn thực phẩm giàu omega-3 hoặc uống dầu cá, đồng thời kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh đã được chứng minh là giúp cải thiện và ngăn ngừa một số vấn đề sức khỏe, gồm có bệnh tim mạch, viêm khớp dạng thấp và cholesterol cao. Lợi ích của omega-3 đối với các vấn đề khác hiện vẫn đang được nghiên cứu nhưng kết quả ban đầu đã cho thấy những tác động tích cực. Ví dụ, một số nghiên cứu cho thấy axit omega-3 giúp cải thiện chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và một số loại ung thư.

Một điều cần lưu ý là dầu cá (fish oil) và dầu gan cá tuyết (cod liver oil) không giống nhau. Dầu cá không chứa các vitamin khác như vitamin D và A như dầu gan cá tuyết.

Nghiên cứu về lợi ích của omega-3 đối với bệnh trầm cảm

Não bộ của chúng ta cần axit béo omega-3 để hoạt động bình thường. Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị trầm cảm bị thiếu hụt EPA và DHA. Đây là tiền đề được các nhà khoa học sử dụng khi nghiên cứu những lợi ích của việc bổ sung omega-3 trong điều trị chứng trầm cảm.

Vào năm 2009, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu từ ba nghiên cứu sử dụng EPA để điều trị 3 loại trầm cảm khác nhau: trầm cảm chủ yếu tái phát ở người lớn, trầm cảm chủ yếu ở trẻ em và trầm cảm lưỡng cực. Sau khi bổ sung EPA, phần lớn người tham gia đều cho thấy sự cải thiện đáng kể các triệu chứng trầm cảm. (1)

Một bản đánh giá nghiên cứu từ năm 2004 chỉ ra rằng không chỉ có EPA, DHA cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị trầm cảm. (2) Những người bị trầm cảm nhẹ, trầm cảm sau sinh và có ý định tự tử đều có nồng độ EPA và DHA thấp hơn bình thường. Các nghiên cứu trong bản đánh giá này cho thấy sự kết hợp của EPA và DHA trong dầu cá giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm ở hầu hết những người tham gia.

Nhìn chung, các nghiên cứu được thực hiện cho đến thời điểm hiện tại đều cho kết quả tích cực về lợi ích của dầu cá và omega-3 trong điều trị và kiểm soát bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì vẫn cần có thêm các nghiên cứu lớn hơn về chủ đề này.

Cần bổ sung bao nhiêu omega-3?

Có thể tăng lượng omega-3 cho cơ thể bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như:

  • Ăn nhiều cá, đặc biệt là các loài cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá cơm và động vật có vỏ
  • Uống thực phẩm chức năng bổ sung omega-3 như dầu cá, dầu tảo hay dầu nhuyễn thể (krill oil)
  • Sử dụng các lại dầu chứa nhiều omega-3 như dầu hạt lanh, dầu hạt cải

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị nên ăn 2 – 3 khẩu phần cá mỗi tuần. Một khẩu phần cho người lớn là 110 gram và một khẩu phần cho trẻ nhỏ là 55 gram.

Liều lượng dầu cá và các loại thực phẩm chức năng khác để điều trị các vấn đề sức khỏe phụ thuộc vào từng vấn đề và mức độ nghiêm trọng. Nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng phù hợp trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.

Rủi ro khi bổ sung omega-3

Không nên bổ sung nhiều omega-3 hơn mức khuyến nghị vì quá nhiều omega-3 sẽ gây ra các tác động tiêu cực như:

  • Tăng LDL cholesterol hay cholesterol xấu
  • Khó kiểm soát mức đường huyết
  • Làm loãng máu

Lượng thủy ngân trong một số loại cá chứa axit béo omega-3 có thể gây hại cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Một số loại cá chứa nhiều thủy ngân gồm có cá ngừ, cá thu và cá kiếm.

Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng dầu cá cho trẻ nhỏ và trong thai kỳ. Bất cứ ai bị dị ứng với động vật có vỏ cũng phải nói chuyện với bác sĩ trước khi uống dầu cá. Mặc dù các nghiên cứu chưa xác định được liệu các chất trong dầu cá có kích hoạt phản ứng dị ứng giống nư động vật có vỏ hay không nhưng vẫn nên cẩn thận.

Dầu cá và các loại thực phẩm chức năng omega-3 khác có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm cả các loại thuốc không kê đơn, chẳng hạn như thuốc chống đông máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc hạ huyết áp và thuốc tránh thai. Nếu đang trong thời gian dùng thuốc thì cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng mới nào.

Tóm tắt bài viết

Nói chung, các nghiên cứu được thực hiện cho đến thời điểm hiện tại đã cho thấy các lợi ích của việc bổ sung axit béo omega-3 trong điều trị nhiều loại trầm cảm, đặc biệt là khi kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

Mặc dù vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu về chủ đề này nhưng các kết quả ban đầu đều rất khả quan. Tuy có nguồn gốc tự nhiên nhưng dầu cá và các loại thực phẩm chức năng bổ sung omega-3 khác có thể gây một số tác dụng phụ và tương tác với các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác đang dùng. Do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung omega-3.

Xem thêm:

  • 17 lợi ích đã được khoa học chứng minh của axit béo omega-3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *