Chúng ta đều biết rằng bôi kem chống nắng là điều cần thiết, đặc biệt là vào mùa hè để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và ngăn ngừa các vấn đề như cháy nắng, sạm nám và ung thư da. Tuy nhiên, vì cơ thể tổng hợp vitamin D khi da tiếp xúc với nắng nên nếu bôi kem chống nắng thì liệu có bị thiếu hụt vitamin D hay không?
Bôi kem chống nắng làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D?
Một bản đánh giá lâm sàng trên Tạp chí Hiệp hội Xương khớp Hoa Kỳ (Journal of the American Osteopathic Association) cho thấy gần 1 tỷ người trên thế giới đang có mức vitamin D trong cơ thể ở mức thấp và nguyên nhân có thể là do bệnh mãn tính hoặc thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Kim Pfotenhauer, trợ lý giáo sư tại Đại học Touro và là người tham gia vào bản đánh giá nói trên đã phát biểu trong một thông cáo báo chí: “Mặc dù bảo vệ da khỏi ung thư da là điều cần thiết nhưng việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở mức độ vừa phải, lành mạnh sẽ giúp tăng cường vitamin D.” (1)
Kem chống nắng và thiếu hụt vitamin D
Vitamin D được cơ thể tạo ra khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Vitamin này cũng có trong một số loại thực phẩm như cá, hàu và lòng đỏ trứng.
Sự thiếu hụt vitamin D sẽ dẫn đến loãng xương và yếu cơ.
Amber Tovey, quản lý chương trình của Hội đồng Vitamin D (Vitamin D Council) cho hay “Thiếu hụt vitamin D đang là một vấn đề rất phổ biến trên toàn cầu”.
Nguyên nhân là do các biện pháp mà mọi người sử dụng để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời.
“Kem chống nắng là một trong những thủ phạm dẫn đến tình trạng thiếu vitamin D. Do ý thức được sự nguy hiểm của ung thư da nên nhiều người sợ ánh nắng mặt trời và có thói quen sử dụng kem chống nắng bất cứ khi nào đi ra ngoài trong khi cơ thể lại cần có ánh nắng để tổng hợp vitamin D một cách tự nhiên.”
Tuy nhiên, chỉ nên để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách vừa phải. Không nên đi ngoài trời nắng quá lâu mà không có biện pháp bảo vệ da.
Vậy phải làm thế nào để có thể bổ sung đủ lượng vitamin D mà vẫn tránh được nguy cơ ung thư da?
Trong một bài báo đăng trên trang web của Tổ chức Ung thư Da (Skin Cancer Foundation), tiến sĩ Anne Marie McNeill và Erin Wesner đã giải đáp lầm tưởng rằng sử dụng kem chống nắng sẽ dẫn đến thiếu hụt vitamin D. (2)
“Trong khi nhiều người đã ý thức được sự nguy hiểm của tia UV trong ánh nắng và có thói quen sử dụng kem chống nắng thì không ít người lại để da tiếp xúc trực tiếp với nắng vì cho rằng sử dụng kem chống nắng và các biện pháp bảo vệ khác dẫn đến thiếu vitamin D. Điều này có thể dẫn đến nhiều các vấn đề nghiêm trọng khác.”
“Nếu so sánh lợi ích và tác hại thì việc để ánh nắng chiếu trực tiếp lên da sẽ gây hại nhiều hơn lợi.”
Mặc dù có thể tránh được thiếu hụt vitamin D nhưng lại nguy cơ bị ung thư da.
Kem chống nắng có chỉ số SPF cao ngăn cản các bước sóng kích thích quá trình sản xuất vitamin D trong da nhưng chưa có nghiên cứu lâm sàng nào cho thấy việc sử dụng kem chống nắng hàng ngày dẫn đến thiếu vitamin D.
“Lý do của điều này là bởi bất kể chúng ta sử dụng bao nhiêu kem chống nắng hay chỉ số SPF có cao đến đâu thì một phần tia UV trong ánh nắng mặt trời vẫn sẽ tiếp cận được đến da. Kem chống nắng SPF 15 ngăn cản được 93% tia UVB, SPF 30 ngăn cản được 97% và SPF 50 ngăn cản 98% tia UVB. Như vậy có nghĩa là vẫn có 2 đến 7% tia UVB tiếp cận đến da, cho dù đã bôi kem chống nắng có chỉ số SPF cao. Và nếu như bôi kem chống nắng không đều, không đủ dày hoặc không bôi lại sau một thời gian đi ngoài nắng thì lượng tia UV mà da phải tiếp xúc sẽ còn nhiều hơn thế.” tiến sĩ McNeill cho biết.
Làm thế nào để bổ sung vitamin D một cách an toàn?
Những người có nguy cơ thiếu vitamin D cao nhất là người lớn tuổi, người khuyết tật, người ít khi ra ngoài, người có da sẫm màu, mắc các bệnh mãn tính như đa xơ cứng, béo phì, những người làm việc ca đêm hoặc làm việc trong môi trường kín, ví dụ như văn phòng.
Ở hầu hết mọi người, cơ thể sẽ tổng hợp đủ lượng vitamin D cần thiết khi thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong một khoảng thời gian ngắn.
Theo tiến sĩ McNeill và Wesner, nếu thực hiện đúng cách thì việc cung cấp vitamin D cho cơ thể từ ánh nắng mặt trời sẽ không đi kèm nguy cơ ung thư da.
“Thực tế là cơ thể không cần tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời để tạo ra vitamin D. Chỉ cần để da tay, chân, bụng và lưng tiếp xúc với nắng 3 lần mỗi tuần, mỗi lần từ 10 đến 15 phút. Khoảng thời gian còn lại cần dùng kem chống nắng và các biện pháp bảo vệ da khác.”
“Chỉ cần ngần ấy thời gian tiếp xúc với nắng là đủ để cơ thể tổng hợp lượng vitamin D cần thiết. Khi dư thừa vitamin D, cơ thể sẽ bắt đầu tự động đào thải bớt để tránh tình trạng quá tải vitamin. Điều này có nghĩa là việc phơi nắng nhiều sẽ không những không mang lại lợi ích lớn hơn mà còn gây hại.”