Dầu dừa từ lâu đã được con người sử dụng trong nấu nướng nhưng gần đây loại dầu này đang gây ra nhiều tranh cãi về các tác động đến sức khỏe, đặc biệt là tác động đến mức cholesterol.
Dầu dừa có làm tăng cholesterol không?
Một số chuyên gia khuyến cáo không nên ăn dầu dừa vì dầu dừa có hàm lượng chất béo bão hòa cao mà chất béo bão hòa lại làm tăng cholesterol.
Trong khi đó lại có ý kiến cho rằng do có cấu trúc chất béo đặc biệt nên dầu dừa ít gây tích mỡ thừa trong cơ thể hơn so với nhiều loại dầu khác và vì lý do này nên dầu dừa có lợi cho sức khỏe.
Mặc dù các kết quả nghiên cứu còn mâu thuẫn nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy rằng, dầu dừa có những tác động tích cực đến nồng độ cholesterol trong máu, gồm có duy trì mức cholesterol khỏe mạnh, giảm lipoprotein mật độ thấp (LDL hay cholesterol xấu) và tăng lipoprotein mật độ cao (HDL hay cholesterol tốt).
Những điều này liệu có đúng và có nên ăn dầu dừa hay không?
Dầu dừa là gì?
Dầu dừa là dầu được chiết xuất từ cùi (phần thịt trắng) của trái dừa.
Thành phần dinh dưỡng cơ bản trong dầu dừa:
- Một muỗng canh dầu dừa chứa gần 13,5 gram chất béo, trong đó có 11,2 gram chất béo bão hòa.
- Dầu dừa còn chứa khoảng 0,8 gram chất béo không bão hòa đơn và khoảng 3,5 gram chất béo không bão hòa đa – các loại chất béo tốt.
- Dầu dừa không chứa cholesterol.
- Dầu dừa chứa nhiều vitamin E và polyphenol.
Dầu dừa được chiết xuất từ cùi dừa tươi chứa một tỷ lệ lớn chất béo trung tính chuỗi trung bình. Loại chất béo này thường ít bị tích trữ dưới dạng mỡ trong cơ thể hơn so với chất béo trung tính chuỗi dài.
Axit lauric trong dầu dừa (một loại chất béo bão hòa lành mạnh) nhanh chóng được cơ thể đốt cháy để tạo năng lượng thay vì tích trữ dưới dạng mỡ. Đó là lý do tại sao có ý kiến cho rằng dầu dừa có tác dụng hỗ trợ giảm cân.
Tất cả các loại chất béo đều có cùng lượng calo và chỉ khác biệt ở thành phần axit béo.
Trong một nghiên cứu trên động vật vào năm 2015, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những con chuột ăn nhiều dầu dừa đã tăng cân ít hơn so với những con ăn nhiều dầu đậu nành, mặc dù dầu dừa chứa 91% chất béo bão hòa trong khi tỷ lệ chất béo bão hòa trong dầu đậu nành là 15%.
Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu trên người để kiểm chứng tác động của dầu dừa đến cân nặng.
Các lợi ích của dầu dừa
Ngoài tác dụng hỗ trợ giảm cân, dầu dừa còn được chứng minh là mang lại các lợi ích khác cho sức khỏe.
Dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, hơn nữa còn dễ dàng hấp thụ vào cơ thể để cung cấp năng lượng một cách nhanh chóng.
Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy rằng việc kết hợp uống dầu dừa hàng ngày và tập thể dục giúp hạ huyết áp cho người bị cao huyết áp và thậm chí còn có thể đưa huyết áp về mức bình thường. (1)
Tác động của dầu dừa đến mức cholesterol
Một nghiên cứu đã so sánh tác động của bơ động vật, dầu dừa và dầu cây rum đến mức cholesterol. Kết quả cho thấy dầu dừa giúp làm giảm nồng độ LDL cholesterol và triglyceride trong khi làm tăng nồng độ HDL cholesterol.
Tuy rằng đã có một số nghiên cứu về tác động của dầu dừa lên mức cholesterol nhưng vẫn chưa đưa ra được kết luận. Cho đến thời điểm hiện tại, dầu dừa không phải là loại dầu được khuyến nghị để làm giảm cholesterol như dầu ô liu và một số loại dầu khác.
Hướng dẫn được đưa ra vào năm 2013 của Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ (National Heart, Lung, and Blood Institute) khuyến cáo không nên sử dụng dầu dừa thường xuyên như các loại dầu tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như dầu ô liu. (2)
Danh sách các loại dầu lành mạnh và không lành mạnh thay đổi liên tục vì ngày càng có nhiều nghiên cứu về tác động của các loại thực phẩm đến sức khỏe. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn đã được khoa học chứng minh là chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa có liên quan đến bệnh tim mạch. Một số loại dầu kém lành mạnh không phải do các thành phần tự nhiên vốn có trong dầu mà là do quá trình xử lý, ví dụ như tẩy trắng và khử mùi.