Mặc dù thành phần dinh dưỡng của trứng sống sẽ thay đổi sau khi nấu nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy việc hâm nóng trứng đã nấu chín có ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng. Điều này chỉ làm thay đổi kết cấu và mùi vị của trứng.
Hâm nóng trứng có an toàn không?
Trứng là một loại thực phẩm chính trên toàn thế giới. Trứng rất bổ dưỡng với hàm lượng protein cao và có thể chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau.
Giống như các loại thực phẩm khác, khi làm các món ăn có trứng thì tốt nhất chỉ nên nấu một lượng vừa đủ và ăn hết trong một bữa. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại lỡ nấu quá nhiều và không ăn hết. Nhiều người thắc mắc không biết có thể cất trứng ăn thừa vào tủ lạnh và hâm nóng lại để ăn tiếp vào bữa sau hay không.
Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc này kèm theo một số lưu ý khi hâm nóng trứng và cách hâm nóng trứng an toàn.
Trứng thay đổi thế nào khi hâm nóng?
Hâm nóng lại thức ăn thừa bằng bất kỳ cách nào cũng đều sẽ ảnh hưởng đến kết cấu, mùi vị và thành phần dinh dưỡng của thực phẩm.
Ví dụ, nghiên cứu đã chứng minh rằng rau củ nấu chín có hàm lượng vitamin thấp hơn so với rau sống.
Đối với trứng, một số nghiên cứu đã phát hiện ra sự khác biệt về giá trị dinh dưỡng và thành phần giữa trứng sống và trứng chín. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của việc làm nóng lại trứng đã chín đến hàm lượng dinh dưỡng của trứng.
Tác động rõ nhất của việc hâm nóng đến trứng là làm thay đổi kết cấu và hương vị. Trứng sau khi được làm nóng lại thường bị khô hoặc chai cứng và không còn thơm ngon như lúc đầu.
Về tính an toàn, miễn là món ăn từ trứng được bảo quản đúng cách và sau đó làm nóng lại ở nhiệt độ đủ cao thì việc ăn trứng còn thừa sẽ không gây hại đến sức khỏe.
Tóm tắt: Mặc dù thành phần dinh dưỡng của trứng sống sẽ thay đổi sau khi nấu nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy việc hâm nóng trứng đã nấu chín có ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng. Điều này chỉ làm thay đổi kết cấu và mùi vị của trứng.
Cách làm nóng lại trứng
Nói chung, hâm nóng và ăn lại trứng hoặc các món từ trứng không gây hại gì, miễn là món ăn được nấu chín đến nhiệt độ 71 độ C (160 độ F) và được bảo quản đúng cách.
Không nên ăn trứng sống mà cần phải nấu cho đến khi trứng chắc lại hoàn toàn, cả lòng trắng và lòng đỏ đều không còn lỏng. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, chẳng hạn như Salmonella – một loại vi khuẩn có thể gây ra ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng với các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, đau bụng và nôn mửa.
Nếu ăn không hết, trứng thừa cần được đựng trong một hộp kín và nông để làm lạnh nhanh và đều, sau đó bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4 độ C (40 độ F) hoặc thấp hơn và nên ăn trong vòng 3 – 4 ngày. (1)
Để tiêu diệt vi khuẩn và giảm nguy cơ nhiễm bệnh thì trứng và các món ăn từ trứng còn thừa cần được làm nóng lại đến nhiệt độ 74 độ C hay 165 độ F trước khi ăn. (2)
Dưới đây là cách làm nóng lại một số món ăn từ trứng phổ biến:
- Trứng bác: Cách nhanh nhất để hâm nóng lại trứng bác là cho vào lò vi sóng, chọn mức nhiệt cao và quay cho đến khi món ăn nóng như ý muốn, giữa mỗi lần nên lấy ra khoảng 20 – 30 giây và đảo trứng để nóng đều.
- Bánh nhân trứng: Tốt nhất nên làm nóng lại các món ăn có trứng cùng nhiều thành phần khác trong lò nướng. Sử dụng khay nướng chuyên dụng và làm nóng ở nhiệt độ 176 độ C (350 độ F) trong 15 – 20 phút hoặc 25 – 30 phút nếu để bánh trong ngăn đá.
- Trứng luộc: Không nên cho trứng luộc vào lò vi sóng vì trứng có thể bị nổ. Thay vào đó, hãy đặt trứng vào một chiếc bát chịu nhiệt sâu lòng, đun sôi nước và đổ vào bát cho đến khi ngập trứng. Ngâm trứng trong 10 phút để làm nóng lại.
- Trứng ốp la: Làm nóng chảo và xoa một ít dầu ăn hoặc bơ lên, sau đó cho trứng vào chảo, hạ lửa nhỏ và rán trong 2 – 5 phút, không cần lật trứng.
- Trứng chần: Đun sôi nước rồi cho trứng đã chần vào, sau 1 – 2 phút thì vớt ra. Chú ý nhẹ tay để tránh làm vỡ trứng.
- Trứng tráng: Làm nóng chảo và cho một ít dầu ăn vào chảo. Khi dầu đã nóng thì đặt trứng lên, rán lửa nhỏ và lật mặt cho đến khi trứng nóng đều.
Tóm tắt: Trứng đã nấu chín và các món có trứng cần được hâm nóng đến 74 độ C (165 độ F) trước khi ăn. Mỗi một món ăn có cách làm nóng lại khác nhau.
Tóm tắt bài viết
Có thể làm nóng và ăn lại trứng đã nấu chín và các món ăn từ trứng miễn là ban đầu đã nấu chín kỹ, bảo quản đúng cách và hâm nóng ở nhiệt độ thích hợp để tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Mặc dù kết cấu và mùi vị món ăn sẽ thay đổi (có thể là cả giá trị dinh dưỡng) nhưng việc hâm nóng và ăn lại trứng không gây hại đến sức khỏe. Mỗi món ăn cần có cách làm nóng khác nhau để đảm bảo mùi vị thơm ngon nhất. Các cách phổ biến nhất là quay trong lò vi sóng, luộc, chiên, chần hoặc nướng và nhiệt độ bên trong trứng cần đạt đến ít nhất 74 độ C (165 độ F) trước khi ăn.