Hội chứng Wernicke-Korsakoff là gì?

Hội chứng Wernicke-Korsakoff cần được điều trị ngay sau khi phát hiện. Điều trị kịp thời sẽ giúp trì hoãn hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Nếu được thực hiện sớm, các phương pháp điều trị có thể giúp phục hồi các tổn thương não không vĩnh viễn.

Hội chứng Wernicke-Korsakoff là gì?Hội chứng Wernicke-Korsakoff là gì?

Hội chứng Wernicke-Korsakoff là gì?

Hội chứng Wernicke-Korsakoff là một dạng rối loạn não do thiếu vitamin B1 (thiamine). Hội chứng này gồm có hai bệnh riêng biệt có thể xảy ra cùng một lúc, đó là bệnh não Wernicke và hội chứng Korsakoff. Thông thường, các triệu chứng của bệnh não Wernicke (Wernicke’s encephalopathy) xuất hiện đầu tiên.

Các triệu chứng của hội chứng Wernicke-Korsakoff thường gồm có lú lẫn, vấn đề về mắt và thị lực, mất khả năng phối hợp cơ.

Nghiện rượu hay lạm dụng rượu mạn tính là nguyên nhân phổ biến nhất gây hội chứng Wernicke-Korsakoff. Hội chứng này cũng có thể xảy ra do chế độ ăn uống thiếu hụt dinh dưỡng hoặc các bệnh lý khác làm suy giảm khả năng hấp thụ vitamin B1.

Những ai có nguy cơ mắc hội chứng Wernicke-Korsakoff?

Các yếu tố nguy cơ của hội chứng Wernicke-Korsakoff đều có liên quan đến chế độ ăn uống và lối sống.

Các yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Wernicke-Korsakoff là thiếu hụt dinh dưỡng và nghiện rượu mạn tính. Các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này còn có:

  • Không có khả năng tiếp cận đến dịch vụ y tế và thực phẩm
  • Chạy thận nhân tạo (phương pháp điều trị này làm giảm sự hấp thụ vitamin B1)
  • Nhiễm AIDS (có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin B1)

Nguyên nhân gây ra hội chứng Wernicke-Korsakoff

Nguyên nhân chính gây ra hội chứng Wernicke-Korsakoff là nghiện rượu.

Ngoài ra, hội chứng này cũng có thể xảy ra ở những người đang mắc các bệnh lý làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể. Nguyên nhân này ít phổ biến hơn nguyên nhân do nghiện rượu. Việc ăn uống và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng có thể bị ảnh hưởng bởi:

  • Phẫu thuật nối tắt dạ dày – một phương pháp phẫu thuật giảm cân. Do kích thước khẩu phần ăn bị giảm đáng kể sau phẫu thuật nên sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày
  • Ung thư dạ dày: làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết
  • Ung thư đại trực tràng: gây đau đớn khiến người bệnh không muốn ăn uống
  • Rối loạn ăn uống

Nghiện rượu là nguyên nhân số 1 gây ra hội chứng Wernicke-Korsakoff vì những người nghiện rượu thường có chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng. Hơn nữa, rượu còn gây cản trở sự hấp thụ và dự trữ vitamin B1.

Các triệu chứng của hội chứng Wernicke-Korsakoff

Bệnh não Wernicke xảy ra do não bộ bị tổn thương. Những tổn thương này là kết quả của tình trạng thiếu hụt vitamin B1.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh não Wernicke gồm có:

  • Song thị (nhìn một vật thành hai)
  • Sụp mí mắt trên
  • Rung giật nhãn cầu (một dạng rối loạn chuyển động mắt không tự chủ, trong đó mắt chuyển động bất thường, có thể lên và xuống hoặc chuyển động qua lại sang hai, lặp đi lặp lại)
  • Mất điều hòa (mất khả năng phối hợp cơ và giữ thăng bằng), gây khó khăn cho việc đi lại, hoạt động
  • Trạng thái tinh thần không tỉnh táo, có thể dẫn đến thay đổi tính tình, cảm xúc không ổn định, dễ cáu bẳn, thờ ơ hoặc có hành vi bạo lực

Sau một thời gian, bệnh não Wernicke có thể phát triển thành hội chứng Korsakoff. Những người mắc hội chứng Wernicke-Korsakoff gặp phải nhiều vấn đề khác nhau về trí nhớ. Người bệnh có thể bị mất trí nhớ hoặc không thể hình thành ký ức mới.

Hội chứng Wernicke-Korsakoff có thể còn gây ra các triệu chứng sau:

  • Quên các sự kiện xảy ra sau khi bệnh khởi phát
  • Không hiểu được lời nói hay các thông tin được tiếp nhận
  • Quên cách dùng từ
  • Ảo giác
  • Hoang tưởng, bịa chuyện, nói những điều không có thật

Chẩn đoán hội chứng Wernicke-Korsakoff

Việc chẩn đoán hội chứng Wernicke-Korsakoff không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Những người mắc hội chứng Wernicke-Korsakoff thường bị lú lẫn, không tỉnh táo. Điều này có thể gây khó khăn cho việc giao tiếp với bác sĩ và dẫn đến không chẩn đoán đúng bệnh.

Hội chứng Wernicke-Korsakoff thường được phát hiện dựa trên các dấu hiệu dưới đây.

Dấu hiệu nghiện rượu

Trước tiên, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra các dấu hiệu của chứng nghiện rượu, bao gồm cả nồng độ cồn trong máu và xét nghiệm chức năng gan để phát hiện tổn thương gan. Tổn thương gan là một dấu hiệu phổ biến của chứng nghiện rượu.

Tổn thương gan do nghiện rượu mạn tính có thể làm tăng men gan. Để chẩn đoán chứng nghiện rượu mạn tính, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để kiểm tra:

  • Nhịp tim
  • Chuyển động mắt
  • Phản xạ
  • Huyết áp
  • Thân nhiệt

Dấu hiệu thiếu hụt dinh dưỡng

Bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu lâm sàng của tình trạng thiếu vitamin B1 bằng cách xét nghiệm máu để đo nồng độ vitamin B1 và tình trạng dinh dưỡng chung.

Các xét nghiệm thường được thực hiện gồm có:

  • Xét nghiệm albumin huyết thanh: xét nghiệm này đo nồng độ albumin – một loại protein trong máu. Nồng độ albumin thấp là dấu hiệu chỉ ra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và các vấn đề về thận hoặc gan.
  • Xét nghiệm vitamin B1 huyết thanh: xét nghiệm này đo nồng độ vitamin B1 trong máu và kiểm tra hoạt động enzyme trong tế bào hồng cầu. Hoạt động enzyme ở mức thấp cho thấy tình trạng thiếu vitamin B1.

Các biện pháp chẩn đoán khác

Ngoài thăm khám lâm sàng và xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ còn tiến hành các biện pháp chẩn đoán hình ảnh để phát hiện các thương tổn có thể là dấu hiệu của hội chứng Wernicke-Korsakoff.

  • Điện tâm đồ (ECG hay EKG) trước và sau khi bổ sung vitamin B1
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để kiểm tra các tổn thương não bộ do bệnh não Wernicke
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện những bất thường ở não do bệnh não Wernicke

Có thể sẽ cần khám thần kinh để xác định mức độ nghiêm trọng của các vấn đề về tâm thần.

Điều trị hội chứng Wernicke-Korsakoff

Hội chứng Wernicke-Korsakoff cần được điều trị ngay sau khi phát hiện. Điều trị kịp thời sẽ giúp trì hoãn hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Nếu được thực hiện sớm, các phương pháp điều trị có thể giúp phục hồi các tổn thương não không vĩnh viễn.

Người mắc hội chứng Wernicke-Korsakoff thường phải nhập viện điều trị. Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được theo dõi chức năng hấp thụ thức ăn của hệ tiêu hóa.

Các biện pháp để điều trị hội chứng Wernicke-Korsakoff gồm có:

  • Bổ sung vitamin B1 qua đường tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay
  • Bổ sung vitamin B1 qua đường uống
  • Tăng lượng vitamin B1 trong chế độ ăn uống để duy trì nồng độ vitamin B1 trong cơ thể

Điều trị chứng nghiện rượu

Sau khi có kết luận bệnh chính xác, bệnh nhân thường sẽ được truyền vitamin B1 qua đường tĩnh mạch. Điều trị sớm có thể đảo ngược nhiều triệu chứng về thần kinh của hội chứng Wernicke-Korsakoff.

Trong một số ít trường hợp, việc điều trị tình trạng thiếu vitamin B1 gây ra các phản ứng tiêu cực nhưng điều này chủ yếu xảy ra ở những người nghiện rượu.

Các phản ứng tiêu cực khi bổ sung vitamin B1 ở mỗi người là khác nhau và có thể bao gồm cả các triệu chứng cai rượu như mất ngủ, đổ mồ hôi hoặc thay đổi tính tình. Người bệnh cũng có thể gặp ảo giác, lú lẫn hoặc kích động.

Hội chứng Wernicke-Korsakoff có điều trị khỏi được không?

Khả năng điều trị thành công ở những người mắc hội chứng Wernicke-Korsakoff còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh tại thời điểm phát hiện.

Nếu điều trị ngay từ sớm, trước khi xảy ra những tổn thương không thể phục hồi thì bệnh có thể được chữa khỏi.

Mặt khác, người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong cao nếu hội chứng Wernicke-Korsakoff không được điều trị. Hầu hết các trường hợp tử vong là do nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu hoặc tổn thương não không thể hồi phục.

Sau khi bắt đầu điều trị, các triệu chứng thường có sự chuyển biến sớm nhất là:

  • Các vấn đề về mắt
  • Khả năng phối hợp cơ
  • Trạng thái tinh thần

Người mắc hội chứng Wernicke-Korsakoff cần cai rượu ngay. Điều này giúp phục hồi trí nhớ và chức năng thần kinh.

Phòng ngừa hội chứng Wernicke-Korsakoff

Có thể ngăn ngừa hội chứng Wernicke-Korsakoff bằng cách không uống rượu và duy trì chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin B1.

Một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B1 gồm có:

  • Thịt lợn nạc
  • Gan
  • Cơm
  • Đậu Hà Lan và các loại đậu
  • Các loại hạt và quả hạch như hạt hướng dương, óc chó
  • Bánh mì nguyên cám
  • Một số loại quả tươi như cam, chuối
  • Sữa và sản phẩm từ sữa như sữa chua

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *