Thiếu sắt là một nguyên nhân phổ biến và có thể điều trị được của bệnh thiếu máu ở những người mắc bệnh thận mạn.
Người mắc bệnh thận mạn có thể cần bổ sung sắt
Thiếu máu và thiếu sắt ở người mắc bệnh thận mạn
Thiếu máu xảy ra khi cơ thể không có đủ hồng cầu. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao…
Thiếu máu là một vấn đề phổ biến ở những người bị bệnh thận mạn tính. Bệnh tiến triển càng nặng thì nguy cơ thiếu máu càng cao. Ước tính chỉ có chưa đầy 1/5 số người mắc bệnh thận mạn nhẹ bị thiếu máu nhưng tỷ lệ này ở những người bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối là gần 2/3.
Thiếu máu có thể được chẩn đoán dễ dàng bằng phương pháp xét nghiệm máu để đo nồng độ hemoglobin (huyết sắc tố). Những người bị bệnh thận mạn nhẹ nên xét nghiệm máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm tình trạng thiếu máu và xét nghiệm thường xuyên hơn nếu bệnh đã tiến triển nặng hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh thiếu máu.
Sau khi chẩn đoán thiếu máu, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân. Các phương pháp thường được thực hiện gồm có công thức máu toàn bộ, xét nghiệm sắt huyết thanh và một số xét nghiệm khác, tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng.
Thiếu sắt là một nguyên nhân phổ biến và có thể điều trị được của bệnh thiếu máu ở những người mắc bệnh thận mạn. Khoảng một nửa số người bị bệnh thận mạn có nồng độ sắt thấp trong máu. Những người mắc bệnh này cần bổ sung lượng sắt nhiều hơn so với bình thường để cơ thể sản sinh hồng cầu.
Mối liên hệ giữa bệnh thận mạn và thiếu máu
Những người bị bệnh thận mạn có nguy cơ bị thiếu máu cao hơn vì cơ thể không thể sản xuất hormone erythropoietin để kích thích sự sản sinh hồng cầu.
Những người mắc bệnh này cũng dễ bị mất máu và khó hấp thụ chất sắt từ đường ruột. Ngoài ra, những người bị bệnh thận mạn nặng và phải chạy thận nhân tạo còn bị mất máu trong quá trình lọc máu.
Điều trị thiếu máu bằng cách nào?
Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy bị thiếu sắt thì bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung sắt ở dạng viên uống hoặc tiêm.
Các loại viên uống bổ sung sắt đều không đắt và dễ uống nhưng có điểm hạn chế là có thể gây ra các tác dụng phụ ở đường tiêu hóa và khả năng hấp thụ kém.
Nếu đã dùng viên uống sắt mà vẫn không cải thiện được nồng độ hemoglobin thì sẽ cần chuyển sang bổ sung sắt qua đường tiêm.
Phương pháp tiêm sắt an toàn và được dung nạp tốt. Một số dạng thuốc tiêm sắt được dùng trước đây (được gọi là “sắt dextran”) làm tăng nguy cơ phản ứng dị ứng nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra với các dạng sắt đang được sử dụng hiện nay.
Những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo thường được chỉ định bổ sung sắt qua đường tiêm. Trên thực tế, hơn một nửa số người chạy thận nhân tạo phải tiêm sắt thường xuyên.
Các phương pháp điều trị thiếu máu khác
Nếu việc bổ sung sắt (qua đường uống hoặc tiêm) không đủ làm tăng nồng độ hemoglobin thì bác sĩ sẽ chỉ định tiêm các loại hormone kích thích sự sản xuất hồng cầu, trong đó có cả các loại thuốc như darbepoetin và epoetin.
Phương pháp điều trị này thường được sử dụng cho những trường hợp mà nồng độ hemoglobin giảm xuống dưới 10 g/dL. Hầu hết những người mắc bệnh thận mạn đều được tiêm thuốc dưới da. Ở những người đang phải chạy thận nhân tạo thì những loại thuốc này được sử dụng trong quá trình lọc máu.
Việc bổ sung sắt được tiếp tục trong quá trình điều trị bằng hormone.
Rủi ro khi điều trị thiếu máu
Rủi ro lớn nhất của việc sử dụng hormone để điều trị bệnh thiếu máu là có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nguy cơ này tăng lên khi nồng độ hemoglobin ở mức cao và thậm chí cả ở mức được coi là bình thường ở những người khỏe mạnh, không mắc bệnh thận mạn. Do đó, có thể sẽ cần phải sử dụng các loại hormone để duy trì nồng độ hemoglobin ở mức vừa đủ, tránh phải truyền máu và giảm thiểu phát sinh vấn đề không mong muốn.
Rủi ro thứ hai là ở những người bị ung thư, các loại thuốc điều trị thiếu máu có thể khiến cho tình trạng bệnh ung thư tiến triển nhanh hơn. Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ thường sẽ không kê các loại thuốc này hoặc sử dụng một cách rất thận trọng.
Lợi ích của việc điều trị thiếu máu ở người mắc bệnh thận mạn
Điều trị thiếu máu sẽ giúp cải thiện các triệu chứng như mệt mỏi và làm giảm khả năng phải truyền máu. Truyền máu nhiều lần có thể gây khó khăn cho việc tìm người hiến thận.
Khi tính trạng thiếu máu được kiểm soát tốt, phần lớn những người bị bệnh thận mạn đều không cần phải truyền máu trừ những trường hợp cấp bách như mất máu, có vấn đề về tim mạch khẩn cấp hoặc trong khi phẫu thuật.
Đi tiểu nhiều có bình thường không?
Nhiều người cho rằng lượng nước tiểu sẽ giảm khi mắc bệnh thận. Trên thực tế, khi bị bệnh thận mạn và thậm chí ngay cả khi đang phải chạy thận nhân tạo thì cơ thể vẫn có thể tạo ra nước tiểu một cách bình thường.
Không phải chỉ những người có chức năng thận tốt mới tạo ra nhiều nước tiểu. Quá trình này vẫn diễn ra ở cả những người bị bệnh thận mạn nghiêm trọng nhưng thận sẽ không thể thực hiện các chức năng quan trọng khác như loại bỏ chất thải, cân bằng điện giải và sản xuất hormone cần thiết để tạo ra hồng cầu.
Vì những người mắc bệnh thận mạn thường phải uống thuốc lợi tiểu để ổn định huyết áp nên lượng nước tiểu có thể sẽ còn tăng lên so với bình thường.