Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng gây ra các triệu chứng giống như bệnh thần kinh ngoại biên do thiếu vitamin B12 (tê bì, yếu cơ, đau đớn và dị cảm ở cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân).
Những điều cần biết về bệnh tiểu đường và vitamin B12
Vitamin B12 là gì?
Vitamin B12 là chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì hệ thần kinh và các tế bào máu khỏe mạnh. Cách tốt nhất để cung cấp đủ vitamin B12 cho cơ thể là ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin này. Vitamin B12 có chủ yếu trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt bò, lợn, thịt gia cầm, cá và các sản phẩm từ sữa. Những người không ăn hoặc ăn quá ít các thực phẩm này sẽ có nguy cơ bị thiếu vitamin B12.
Ngoài ra còn có một số yếu tố khác cũng có thể dẫn đến thiếu hụt. Ví dụ, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ thiếu vitamin B12 cao hơn do tác dụng phụ của metformin – một loại thuốc được kê phổ biến để điều trị tiểu đường tuýp 2. Một nghiên cứu đã cho thấy 22% người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có nồng độ vitamin B12 trong máu ở mức thấp và nguyên nhân một phần là do metformin. (1)
Dưới đây là các dấu hiệu thường gặp khi bị thiếu vitamin B12, nguyên nhân, một số vấn đề có thể phát sinh và các cách bổ sung vitamin B12.
Các dấu hiệu thiếu vitamin B12
Các dấu hiệu ban đầu khi bị thiếu vitamin B12 có thể chỉ thoáng qua và không phải lúc nào cũng biểu hiện rõ. Nếu như nồng độ vitamin B12 trong máu chỉ hơi thấp thì thường sẽ không có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào nhưng khi có thì các dấu hiệu thường là:
- Mệt mỏi, suy nhược, kiệt sức
- Ăn không ngon miệng
- Loét lưỡi hoặc miệng
- Sụt cân
- Cảm giác châm chích ở bàn tay
- Táo bón
Đây là những hiện tượng mà thi thoảng vẫn thường xảy ra nên dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, theo thời gian, tình trạng thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến các vấn đề lớn hơn.
Nguyên nhân thiếu hụt vitamin B12
Vitamin B12 chủ yếu có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật. Loại vitamin B này không tồn tại tự nhiên trong loài thực vật.
Do đó, những người không ăn thịt và các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như người theo chế độ ăn thuần chay, sẽ có nguy cơ bị thiếu vitamin B12. Tuy nhiên, một số sản phẩm có nguồn gốc thực vật, ví dụ như ngũ cốc ăn sáng và thanh protein (protein bar) được bổ sung thêm vitamin B12. Điều này giúp những người ăn chay có thể cung cấp vitamin B12 cho cơ thể dễ dàng hơn.
Đôi khi, dù tiêu thụ đủ vitamin B12 mỗi ngày nhưng vẫn bị thiếu hụt. Nguyên nhân là do cơ thể hấp thụ vitamin này không hiệu quả.
Một số loại thuốc có thể gây cản trở khả năng hấp thụ vitamin B12 của cơ thể gồm có:
Thuốc trị trào ngược dạ dày và thuốc trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, ví dụ như:
- famotidine
- lansoprazole
- omeprazole
- ranitidine
- metformin – một loại thuốc được kê phổ biến để trị bệnh tiểu đường tuýp 2
- chloramphenicol – một loại thuốc kháng sinh
Một nguyên nhân khác cũng có thể gây thiếu hụt vitamin B12 là do thiếu yếu tố nội tại (IF) – một loại protein được tạo ra bởi các tế bào dạ dày. Các tế bào dạ dày này dễ bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch và khi bị tổn thương, chúng sẽ giảm sản xuất yếu tố nội tại. Yếu tố nội tại là thành phần cần thiết cho sự hấp thụ vitamin B12 trong thực phẩm vào ruột non.
Các vấn đề có thể phát sinh do thiếu vitamin B12
Nồng độ vitamin B ở mức quá thấp có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm cả thiếu máu.
Thiếu máu là tình trạng không có đủ số lượng hồng cầu khỏe mạnh (RBC). Hồng cầu là các tế bào cần thiết để vận chuyển oxy trong máu nên khi bị thiếu máu, các tế bào trong cơ thể sẽ không được cung cấp đủ oxy.
Theo một nghiên cứu vào năm 2015 được đăng trên Tạp chí Oral Pathology Medicine, khoảng 20% những người bị thiếu vitamin B12 cũng bị thiếu máu ác tính.
Các triệu chứng của thiếu máu gồm có:
- Mệt mỏi
- Da xanh xao, nhợt nhạt
- Tức ngực, khó thở
- Chóng mặt
- Đau đầu
Một triệu chứng khác có thể xảy ra khi bị thiếu vitamin B12 là mất vị giác và khứu giác. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn gồm có tim đập nhanh hoặc không đều và khó thở.
Thiếu hụt vitamin B12 còn có thể dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên với các triệu chứng như tê bì, yếu cơ, đau đớn và dị cảm (cảm giác nóng hoặc châm chích trên da). Hiện tượng này thường xảy ra trên cánh tay, bàn tay, cẳng chân và bàn chân.
Ở những người bị thiếu vitamin B12, nồng độ homocysteine (một loại axit amin) thường ở mức cao. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Tình trạng thiếu vitamin B12 nghiêm trọng và kéo dài có thể dẫn đến những vấn đề như:
- Mất khả năng vận động
- Đi lại khó khăn
- Ảo giác
- Trầm cảm
- Suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ
- Co giật
Bệnh thần kinh do tiểu đường và bệnh thần kinh do thiếu vitamin B12
Một trong những biến chứng tiềm ẩn của bệnh tiểu đường là bệnh lý thần kinh. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu ở mức cao trong một thời gian dài gây tổn hại đến các dây thần kinh.
Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng gây ra các triệu chứng giống như bệnh thần kinh ngoại biên do thiếu vitamin B12 (tê bì, yếu cơ, đau đớn và dị cảm ở cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân).
Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, gồm có cả đường tiêu hóa.
Bệnh thần kinh không chỉ xảy ra ở những người bị tiểu đường. Tình trạng thiếu vitamin B12 kéo dài cũng có thể làm hỏng các dây thần kinh.
Do đó, dù có mắc bệnh tiểu đường hay không thì cũng không nên bỏ qua các dấu hiệu bất thường của bệnh thần kinh.
Chẩn đoán thiếu vitamin B12
Nếu có các triệu chứng thiếu vitamin B12 thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Trong thời gian đầu mới bị thiếu hụt, cơ thể thường không có biểu hiện rõ rệt và nếu có thì cũng giống với triệu chứng của rất nhiều vấn đề khác.
Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể được phát hiện dễ dàng bằng phương pháp xét nghiệm máu. Ở những người bị tiểu đường, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và thăm khám tổng quát để đánh giá toàn diện tình trạng sức khỏe. Xét nghiệm máu cũng sẽ cho biết chỉ số đường huyết.
Khuyến nghị về lượng vitamin B12 cần tiêu thụ hàng ngày thay đổi theo độ tuổi. Hầu hết thanh thiếu niên và người trưởng thành cần 2,4 microgam (mcg) vitamin B12 mỗi ngày trong khi trẻ nhỏ cần từ 0,4 đến 1,8 mcg.
Khắc phục thiếu vitamin B12 bằng cách nào?
Duy trì mức đường huyết khỏe mạnh có thể giúp kiểm soát sự hấp thụ vitamin B12. Một số cách để đạt được và giữ cho mức đường huyết ở mức khỏe mạnh gồm có ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc. Khi đi khám, bác sĩ sẽ hướng dẫn kế hoạch điều trị phù hợp.
Nếu thiếu vitamin B12 thì sẽ cần ăn nhiều các loại thực phẩm chứa vitamin B12 tự nhiên như:
- Thịt đỏ
- Cá
- Thịt gia cầm
- Trứng
- Các sản phẩm từ sữa
- Động vật có vỏ như sò, hàu…
- Gan
Ngoài ra, vitamin B12 còn được thêm vào một số loại thực phẩm chế biến sẵn như:
- Men dinh dưỡng (nutritional yeast)
- Ngũ cốc
- Bánh mỳ
Đọc bảng giá trị dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm khi đi mua đồ để biết sản phẩm đó có vitamin B12 hay không.
Nếu bị thiếu hụt nặng hơn thì sẽ cần dùng viên uống vitamin B12, đặc biệt là những người ăn chay. Trong những trường hợp thiếu hụt trầm trọng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm vitamin B12.
Bổ sung vitamin B12 sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề không mong muốn. Trong thời gian uống bổ sung vitamin B12 có thể sẽ cần làm xét nghiệm lại để kiểm tra hiệu quả và điều chỉnh liều lượng nếu cần thiết.