Thiếu canxi có thể là do nhiều yếu tố gây ra như chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng, bệnh lý, thuốc men hoặc phẫu thuật. Thiếu canxi gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể như xương, cơ, tim mạch, dây thần kinh và răng.
Thiếu canxi ảnh hưởng như thế nào đến răng?
Canxi là gì?
Canxi là một khoáng chất thiết yếu, có nghĩa là cơ thể không tự sản xuất ra mà phải hấp thụ từ thức ăn.
Canxi cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển, chức năng hệ thần kinh, tuần hoàn và sức khỏe của xương.
Chế độ ăn không có đủ canxi sẽ dẫn đến thiếu hụt canxi. Thiếu canxi gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể và trong đó có răng.
Các triệu chứng thiếu canxi
Khoảng 99% lượng canxi trong cơ thể được tích trữ trong xương và răng. Do đó hầu hết các triệu chứng thiếu canxi đều xảy ra ở những bộ phận này.
Có thể phải bị thiếu canxi trong thời gian dài, thậm chí lên đến vài năm thì các triệu chứng mới biểu hiện rõ rệt vì cơ thể có khả năng tự điều chỉnh nồng độ canxi trong máu.
Khi nồng độ canxi trong máu ở mức thấp, cơ thể sẽ bắt đầu lấy canxi từ xương vào máu, cơ và các chất dịch nội bào khác. Theo thời gian, điều này sẽ khiến cho xương và răng yếu đi cùng với các triệu chứng khác.
Triệu chứng thiếu canxi ở răng
Thiếu canxi sẽ làm cho xương trở nên xốp, yếu và dễ gãy hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với hàm răng.
Do đó, thiếu canxi sẽ làm tăng nguy cơ mất răng. Trên thực tế, một thử nghiệm lâm sàng ở 145 người lớn tuổi đã phát hiện ra những người có lượng canxi thấp có nguy cơ mất răng cao hơn. (1)
Trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu, 13% những người uống bổ sung canxi và vitamin D bị mất ít nhất một chiếc răng trong khi tỷ lệ mất răng ở nhóm dùng giả dược là 27%.
Trong 2 năm tiếp theo, 40% những người bổ sung từ 1.000 mg canxi trở lên mỗi ngày và 59% những người bổ sung ít hơn bị mất ít nhất một chiếc răng.
Các triệu chứng khác
Sự thiếu hụt canxi gây ra nhiều tác động đến cơ thể nên sẽ còn có các triệu chứng khác ngoài mất răng. Các triệu chứng mà mỗi người gặp phải sẽ không hoàn toàn giống nhau.
Một trong các triệu chứng phổ biến nhất là thiếu xương hay giảm mật độ khoáng xương. Nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ trở thành loãng xương – một bệnh lý nghiêm trọng hơn với đặc điểm là xương yếu, xốp và dễ gãy.
Nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ bị loãng xương có nguy cơ rụng răng cao hơn những người không bị loãng xương. (2)
Ngoài ra, thiếu canxi còn có các triệu chứng khác như:
- Móng tay khô, giòn, dễ gãy
- Mệt mỏi bất thường
- Rối loạn nhịp tim
- Chán ăn
- Tê và châm chích ở đầu ngón tay
- Chuột rút cơ
- Co giật
Nếu không được phát hiện và điều trị, tình trạng thiếu canxi sẽ ngày càng trở nên trầm trọng và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Tóm tắt: Phần lớn canxi trong cơ thể được dự trữ trong xương và răng. Các triệu chứng chính của tình trạng thiếu canxi là xương yếu, rụng răng, móng tay dễ gãy, mệt mỏi, nhịp tim bất thường, chuột rút cơ và co giật. Các triệu chứng này có thể phải sau vài năm mới biểu hiện rõ.
Nguyên nhân gây thiếu canxi
Có nhiều nguyên nhân gây thiếu hụt canxi. Một số nguyên nhân phổ biến nhất là suy thận, phẫu thuật cắt dạ dày hoặc phẫu thuật các phần khác của đường tiêu hóa và dùng thuốc lợi tiểu kéo dài.
Vì cơ thể không tự sản xuất ra canxi mà phải lấy từ thực phẩm nên chế độ ăn có quá ít canxi trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu canxi.
Nguồn canxi dự trữ trong cơ thể là có hạn nên cần phải thường xuyên ăn các loại thực phẩm giàu canxi.
Vitamin D là chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì nồng độ canxi ở mức bình thường. Nếu không có đủ vitamin D, cơ thể sẽ không thể hấp thụ canxi hiệu quả và điều này làm tăng nguy cơ thiếu canxi.
Tóm tắt: Sự thiếu hụt canxi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như ăn quá ít thực phẩm chứa canxi, mắc một số bệnh lý, dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Điều trị và phòng ngừa thiếu canxi
Thiếu canxi được điều trị bằng cách uống bổ sung canxi. Hai dạng canxi phổ biến nhất trong các sản phẩm viên uống bổ sung là canxi cacbonat và canxi citrat.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng uống canxi không giúp ích nhiều trong việc ngăn ngừa gãy xương và thậm chí còn tiềm ẩn một số rủi ro như gây ra các vấn đề về tiêu hóa, tim mạch và thận. (3)
Nếu chế độ ăn hàng ngày có quá ít canxi hoặc nhận thấy những thay đổi trong sức khỏe xương hoặc răng thì trước tiên hãy đi khám để làm xét nghiệm đo nồng độ canxi chứ không nên tự ý uống canxi.
Để tránh bị thiếu canxi và giữ cho răng chắc khỏe thì cần phải bổ sung đủ canxi.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu canxi mỗi ngày ở trẻ từ 9 – 18 tuổi là 1.300 mg và ở người trên 18 tuổi là 1.000 – 1.200 mg, tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính.
Dưới đây là một số thói quen và chế độ ăn tốt cho sức khỏe xương và răng:
- Đánh răng 2 lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa sau bữa ăn và đi khám răng định kỳ.
- Đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ vấn đề bất thường nào về răng miệng.
- Thay bàn chải đánh răng ít nhất một lần sau 3 – 4 tháng và sau khi bị bệnh.
- Hạn chế uống rượu và không hút thuốc lá.
- Thường xuyên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, chẳng hạn như rau lá xanh đậm, cá mòi, cá hồi đóng hộp, các loại đậu, đậu nành và đậu phụ, các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua, nước cam ép và sữa có bổ sung canxi.
- Thường xuyên ăn trái cây và rau củ tươi vì đây là những thực phẩm rất giàu vitamin C và các chất dinh dưỡng khác cũng có tác dụng hỗ trợ sức khỏe xương.
- Ngăn ngừa và khắc phục tình trạng thiếu vitamin D bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D, tiếp xúc nhiều hơn với nắng và/hoặc sử dụng viên uống bổ sung.
- Tập thể dục thường xuyên.
Tóm tắt: Duy trì thói quen sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và vệ sinh răng miệng cẩn thận sẽ giúp ngăn ngừa thiếu canxi và những tác động tiêu cực đến răng.
Tóm tắt bài viết
Canxi là một khoáng chất rất cần thiết cho sức khỏe. Phần lớn canxi trong cơ thể được tích trữ trong xương và răng.
Thiếu canxi có thể là do nhiều yếu tố gây ra như chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng, bệnh lý, thuốc men hoặc phẫu thuật. Có thể phải sau một thời gian dài thì các triệu chứng thiếu canxi mới xuất hiện. Thiếu canxi gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể như xương, cơ, tim mạch, dây thần kinh và răng.
Các cách để giữ cho hàm răng chắc khỏe là bổ sung đủ canxi, vitamin D, có chế độ ăn uống cân bằng, duy trì lối sống lành mạnh, vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày và khám răng định kỳ.