Mới đây, một nhóm nghiên cứu đã có những phát hiện mới về vitamin D và mối liên hệ với bệnh viêm khớp dạng thấp.
Thiếu hụt vitamin D ảnh hưởng thế nào đến bệnh viêm khớp dạng thấp?
Vitamin D và viêm khớp dạng thấp
Một nghiên cứu mới được trình bày tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 70 của Hiệp hội Hóa học Lâm sàng Hoa Kỳ (American Association for Clinical Chemistry – AACC) và Triển lãm Phòng thí nghiệm Lâm sàng ở Chicago (Mỹ) cho thấy rằng bổ sung vitamin D có thể giảm thiểu một số triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. (1)
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mà rất nhiều người mắc phải. Theo số liệu của Tổ chức Viêm khớp dạng thấp (Arthritis Foundation), bệnh này chủ yếu xảy ra ở phụ nữ với tỷ lệ mắc cao hơn gần gấp 3 lần so với nam giới. (2)
Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp gồm có sưng đau khớp, cứng khớp, các triệu chứng toàn thân như sốt và mệt mỏi, đôi khi còn đi kèm tổn thương ở một số cơ quan khác trong cơ thể.
Kết quả nghiên cứu
Có rất nhiều phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, từ dùng thuốc chống viêm không steroid, thuốc nhóm corticoid cho đến phẫu thuật và các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm các biện pháp mới để giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
Bổ sung một số chất để làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp đã là một chủ đề của nhiều nghiên cứu trong vài năm trở lại đây.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Tomas De Haro Muñoz, thuộc Bệnh viện Đại học Campus de la Salud ở Tây Ban Nha, đã có những phát hiện mới về vitamin D và mối liên hệ với bệnh viêm khớp dạng thấp.
Muñoz và các cộng sự đã đo nồng độ 25-hydroxyvitamin D (dạng chuyển hóa của vitamin D trong cơ thể) trong mẫu máu của 78 người bị viêm khớp dạng thấp và theo dõi xem liệu tình trạng bệnh ở những người này có thuyên giảm hay không.
Các nhà nghiên cứu so sánh nồng độ vitamin D trong máu của những người bị viêm khớp dạng thấp với nồng độ vitamin D của 41 người khỏe mạnh và phát hiện ra rằng chỉ có 33% những người bị viêm khớp dạng thấp có mức vitamin D trong phạm vi bình thường. Những người đang phải trải qua đợt viêm cấp và có các triệu chứng nghiêm trọng có nồng độ vitamin D thấp hơn. (3)
Theo các tác giả của nghiên cứu kết luận: “Sự thiếu hụt vitamin D có liên quan đến các đợt bùng phát triệu chứng bệnh. Việc kiểm tra nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong huyết thanh và bổ sung vitamin D nếu bị thiếu hụt là điều cần thiết ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.”
“Mặc dù đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá ảnh hưởng của nồng độ vitamin D đến quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp nhưng mối liên hệ giữa vitamin D và tình trạng bệnh đã được nêu ra trong nhiều nghiên cứu trước đây” – tiến sĩ Daniel Small, một bác sĩ chuyên điều trị thấp khớp tại bệnh viện Mayo Clinic cho biết.
Ông nói rằng vì vitamin D có vai trò rất quan trọng đối với hệ miễn dịch, não và xương nên mức vitamin D thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các bệnh liên quan đến những cơ quan, hệ thống này.
Bổ sung vitamin D bằng cách nào?
Tiến sĩ Daniel Small nói thêm: “Uống bổ sung vitamin D là điều quan trọng đối với những người mà chế độ ăn uống không cung cấp đủ vitamin này. Các nguồn thực phẩm chứa vitamin D phổ biến nhất trong chế độ ăn là các loại cá béo (cá trích, cá mòi, cá hồi,…), trứng, nấm, gan bò và các loại thực phẩm được bổ sung vitamin D như sữa, nước ép cam đóng hộp, ngũ cốc,…
Ông khuyên bất kỳ ai mắc các bệnh tự miễn (như viêm khớp dạng thấp), loãng xương hoặc rối loạn thần kinh nên xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ vitamin D.
“Thiếu hụt vitamin D có thể được coi là một kết quả của các thói quen không lành mạnh như chế độ dinh dưỡng kém, hút thuốc, lạm dụng chất kích thích, lạm dụng rượu, lười vận động, các yếu tố sinh lý… Các yếu tố kinh tế xã hội cũng có thể là một phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tất cả các yếu tố này đều có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên xấu đi, trong đó thiếu hụt vitamin D có thể vừa là nguyên nhân vừa là dấu hiệu, triệu chứng.”
Nên uống bổ sung vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy bị thiếu hụt. Có thể bổ sung vitamin D dưới hai dạng riêng biệt là vitamin D2 hoặc vitamin D3. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin D3 giúp tăng lượng vitamin D trong cơ thể hiệu quả hơn so với vitamin D2.
Về liều lượng bổ sung, tiến sĩ Small đưa ra khuyến nghị: “Đối với hầu hết mọi người thì 2000 IU vitamin D3 mỗi ngày là đủ để duy trì nồng độ vitamin D trong cơ thể ở mức bình thường nhưng vẫn cần theo dõi nồng độ vitamin trong máu vì một số người sẽ cần bổ sung liều cao hơn.”