Thiếu sắt là loại thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu. Thiếu máu thiếu sắt thứ phát do ăn uống không đủ sắt xảy ra khi chế độ ăn hàng ngày có quá ít thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ, nội tạng, động vật có vỏ, các loại đậu, các loại hạt…
Thiếu máu thiếu sắt thứ phát do ăn uống không đủ sắt
Thiếu máu thiếu sắt thứ phát do ăn uống không đủ sắt là gì?
Thiếu máu là tình trạng số lượng hồng cầu (RBC) trong máu thấp hơn mức bình thường. Thiếu máu gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, hụt hơi, da xanh xao và nhiều triệu chứng khác. Tình trạng này sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe về lâu dài nếu không được điều trị.
Sắt là một khoáng chất rất cần thiết cho quá trình sản sinh hồng cầu. Khi không có đủ sắt, cơ thể sẽ tạo ra ít hồng cầu hơn hoặc hồng cầu có kích thước nhỏ hơn bình thường. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt thứ phát do ăn uống không đủ sắt (iron deficiency anemia secondary to inadequate dietary iron intake). Hiểu một cách đơn giản, loại thiếu máu này là do chế độ ăn uống hàng ngày có quá ít chất sắt.
Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu nhưng thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu sắt là dạng thiếu hụt dinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao nhất toàn cầu. (1) Nghiên cứu cho thấy có tới 80% người trên thế giới không có đủ lượng sắt trong cơ thể và đến 30% dân số bị thiếu máu do thiếu sắt kéo dài.
Triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt
Trong thời gian đầu, thiếu máu do thiếu sắt thường không biểu hiện triệu chứng hoặc các triệu chứng thoáng qua. Theo Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ, hầu hết mọi người đều không biết rằng mình bị thiếu máu cho đến khi xét nghiệm máu định kỳ.
Khi tình trạng thiếu sắt trở nên trầm trọng hơn thì thường sẽ có các triệu chứng như:
- Mệt mỏi, suy nhược
- Cơ thể không có sức lực
- Da nhợt nhạt, xanh xao
- Khó thở, hụt hơi
- Chóng mặt, hoa mắt
- Đau đầu
- Móng giòn, dễ gãy
- Tim đập nhanh
- Thèm nhai đá viên hoặc những thứ không phải đồ ăn như vôi vữa, giấy (hội chứng pica)
- Tay chân lạnh
- Châm chích hoặc cảm giác như kiến bò dưới da ở chân
Nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu sắt là loại thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu. Thiếu máu thiếu sắt thứ phát do ăn uống không đủ sắt xảy ra khi chế độ ăn hàng ngày có quá ít thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ, nội tạng, động vật có vỏ, các loại đậu, các loại hạt…
Có nhiều lý do tại sao chế độ ăn uống lại không cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể. Điều này chủ yếu xảy ra ở các nhóm đối tượng dưới đây:
- Người ăn chay hoặc ăn thuần chay vì sắt heme (dạng sắt mà cơ thể dễ hấp thụ nhất) chỉ có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật
- Người bị rối loạn ăn uống
- Người nghèo hoặc vô gia cư và không có đủ thực phẩm
- Người cao tuổi do chế độ ăn uống thường thiếu các loại thực phẩm giàu sắt
- Trẻ nhỏ uống nhiều sữa bò, vì sữa bò chứa ít chất sắt
- Người đang ăn kiêng giảm cân
- Những người có chế độ ăn ít trái cây, rau củ và thịt
- Những người uống quá nhiều cà phê và trà hàng ngày vì caffeine làm giảm sự hấp thụ sắt của cơ thể
- Những người thường xuyên dùng thuốc kháng axit
Biến chứng của thiếu máu do thiếu sắt
Hầu hết các trường hợp thiếu máu do thiếu sắt đều nhẹ và không gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu cơ thể không được bổ sung đủ sắt thì sẽ phát sinh các vấn đề khác.
Khi bị thiếu máu, tim sẽ phải hoạt động vất vả hơn để bơm máu và cung cấp đủ oxy đến các tế bào trong cơ thể. Nếu không được điều trị, thiếu máu có thể dẫn đến suy tim hoặc bệnh tim to (cơ tim phì đại).
Ở phụ nữ mang thai, tình trạng thiếu sắt nghiêm trọng có thể dẫn đến sinh non hoặc trẻ sinh ra bị nhẹ cân. Do đó, hầu hết phụ nữ mang thai đều cần uống bổ sung sắt để ngăn ngừa những vấn đề này.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị thiếu sắt trầm trọng có thể bị chậm phát triển và tăng trưởng. Thiếu sắt cũng khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn.
Chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt
Bệnh thiếu máu được chẩn đoán bằng biện pháp xét nghiệm máu.
Công thức máu toàn bộ (CBC)
Biện pháp này thường được thực hiện đầu tiên. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (complete blood count test) đo nồng độ của tất cả các thành phần trong máu, gồm có:
- Hồng cầu
- Bạch cầu
- Hemoglobin (huyết sắc tố)
- Hematocrit (tỷ lệ tổng thể tích máu được tạo nên từ hồng cầu)
- Tiểu cầu (thành phần giúp đông máu)
Công thức máu toàn bộ cung cấp các thông tin có ích trong việc chẩn đoán tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, gồm có:
- Chỉ số hematocrit
- Nồng độ hemoglobin
- Kích thước của tế bào hồng cầu
Ở những người bị thiếu máu do thiếu sắt, chỉ số hematocrit và hemoglobin ở mức thấp và hồng cầu có kích thước nhỏ hơn bình thường.
Công thức máu toàn bộ thường được thực hiện khi khám sức khỏe định kỳ vì xét nghiệm này cho biết các chỉ số phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe tổng thể. Công thức máu toàn bộ cũng có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật.
Các xét nghiệm khác
Thiếu máu thường được chẩn đoán dựa trên các chỉ số của công thức máu toàn bộ. Tuy nhiên, đôi khi có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm máu khác để xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu và từ đó có biện pháp điều trị phù hợp. Mẫu máu sẽ được phân tích dưới kính hiển vi để có thêm các thông tin như:
- Nồng độ sắt trong máu
- Kích thước và màu sắc hồng cầu: Hồng cầu nhợt nhạt là một dấu hiệu thiếu sắt
- Nồng độ ferritin – một loại protein dự trữ sắt trong cơ thể. Nồng độ ferritin thấp có nghĩa là cơ thể có ít sắt dự trữ.
- Khả năng gắn sắt toàn phần (TIBC): kiểm tra khả năng gắn và vận chuyển sắt trong máu.
Chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng còn có thể dẫn đến thiếu hụt các vitamin và khoáng chất khác ngoài sắt. Do đó sẽ cần đo nồng độ cả các chất khác trong máu, chẳng hạn như folate và vitamin B12 để xem có bị thiếu hụt hay không.
Điều trị thiếu máu do thiếu sắt
Uống bổ sung sắt
Uống bổ sung sắt sẽ giúp tăng lượng sắt trong cơ thể. Có thể sẽ phải dùng viên uống sắt trong vài tháng. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra là táo bón hoặc phân đen. Viên uống sắt có nguồn gốc từ thực vật thường được dung nạp dễ hơn và ít gây ra các tác dụng phụ về tiêu hóa hơn.
Nếu như còn bị thiếu các vitamin hoặc khoáng chất khác thì sẽ cần dùng thêm viên uống bổ sung các chất này hoặc vitamin tổng hợp.
Tăng lượng sắt trong chế độ ăn
Cần ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt và vitamin C để ngăn ngừa và điều trị tình trạng thiếu sắt. Trẻ sơ sinh cần được cho bú sữa mẹ hoặc sữa công thức có bổ sung sắt. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bố mẹ nên cho con ăn các loại thực phẩm có chứa chất sắt tự nhiên hoặc thực phẩm được bổ sung sắt dành cho trẻ nhỏ.
Chế độ ăn uống nhiều thịt đỏ, rau màu xanh đậm, trái cây khô và các loại hạt có thể giúp điều trị và ngăn ngừa thiếu sắt. Một số loại thực phẩm giàu chất sắt gồm có:
- Các loại thịt, đặc biệt là thịt đỏ như thịt bò, bê, cừu, thịt lợn, thịt trâu
- Gan và các loại nội tạng khác
- Các loại đậu, bao gồm cả đậu nành
- Hạt bí
- Các loại quả hạch như mắc ca, hạt óc chó, hạt dẻ cười…
- Rau màu xanh đậm như rau chân vịt, cải kale, cải chíp…
- Nho khô, mận khô và các loại trái cây khô khác
- Đậu phụ
- Trứng
- Các loại hải sản, đặc biệt là loài có vỏ như nghêu, tôm và hàu
Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt trong thức ăn hiệu quả hơn. Nếu đang dùng viên uống sắt thì nên uống cùng các loại nước chứa nhiều vitamin C như nước chanh, cam và nên kết hợp các loại thực phẩm giàu vitamin C cùng với thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn. Các loại thực phẩm giàu vitamin C gồm có:
- Trái cây họ cam quýt, chẳng hạn như cam, bưởi, quýt
- Các loại trái cây khác như dâu tây, kiwi, ổi, đu đủ, dứa, dưa và xoài
- Bông cải xanh
- Ớt chuông màu xanh và đỏ
- Bông cải trắng
- Cà chua
- Rau màu xanh đậm
Những người ăn chay và thuần chay cần ăn đủ lượng thực phẩm giàu sắt có nguồn gốc từ thực vật như các loại đậu, đậu phụ, trái cây sấy khô, rau màu xanh đậm và các loại rau củ giàu sắt khác.
Theo Văn phòng Quản lý Thực phẩm chức năng thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), những người theo chế độ ăn dựa trên thực vật sẽ cần tiêu thụ lượng sắt nhiều hơn gấp đôi so với những người có chế độ ăn uống bình thường. (2) Lý do là bởi dạng chất sắt trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (sắt không heme) không được cơ thể hấp thụ dễ dàng giống như dạng sắt có trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (sắt heme).
Những người bị rối loạn ăn uống có thể cần phải nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn uống và các biện pháp ngăn ngừa thiếu sắt về lâu dài.
Truyền máu
Trong những trường hợp thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng, người bệnh sẽ cần phải truyền máu. Phương pháp này giúp tăng lượng sắt cho cơ thể một cách nhanh chóng.
Thiếu máu thiếu sắt thứ phát do ăn uống không đủ sắt là một tình trạng phổ biến, thường rất dễ phát hiện và có thể điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và uống bổ sung sắt.