Mặc dù rụng một vài sợi tóc là điều hoàn toàn bình thường nhưng khi bị thiếu sắt, tóc sẽ rụng nhiều hơn mỗi khi chải hay gội đầu. Trong những trường hợp nặng, tóc có thể rụng nhiều đến mức tạo thành những mảng hói trên da đầu.
Thiếu sắt có thể gây rụng tóc
Tại sao thiếu sắt gây rụng tóc?
Rụng tóc có nhiều nguyên nhân và có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới mọi lứa tuổi. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây rụng tóc là thiếu hụt chất dinh dưỡng, chẳng hạn như chất sắt. Sắt là một khoáng chất rất quan trọng đối với cơ thể và khi không có đủ lượng sắt, cơ thể sẽ không thể sản xuất hemoglobin – một loại protein trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đến các tế bào, bao gồm cả các tế bào kích thích sự mọc tóc. Do đó, thiếu sắt có thể gây rụng tóc.
Dấu hiệu rụng tóc do thiếu sắt
Rụng tóc do thiếu sắt cũng giống như các dạng rụng tóc thường thấy khác ở nam giới và phụ nữ. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Y tế Hàn Quốc (Journal of Korean Medical Science) cho thấy rằng sự thiếu hụt sắt có thể khiến tóc rụng theo kiểu tương tự như chứng rụng tóc do di truyền ở nam và nữ. (1)
Mặc dù rụng một vài sợi tóc là điều hoàn toàn bình thường nhưng khi bị thiếu sắt, tóc sẽ rụng nhiều hơn mỗi khi chải hay gội đầu. Trong những trường hợp nặng, tóc có thể rụng nhiều đến mức tạo thành những mảng hói trên da đầu.
Điều trị rụng tóc do thiếu sắt
Rụng tóc do thiếu sắt đa phần chỉ là vấn đề tạm thời. Cách tốt nhất để điều trị rụng tóc là giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây ra vấn đề. Nếu nghi ngờ nguyên nhân gây rụng tóc là do thiếu sắt thì nên đi khám để làm xét nghiệm máu đo nồng độ sắt. Có thể sẽ cần đo nồng độ của ferritin – một loại protein giúp dự trữ sắt trong cơ thể.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ sắt thấp thì sẽ cần tăng lượng sắt trong chế độ ăn bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu sắt hoặc uống bổ sung sắt. Thuốc bổ sung sắt có thể gây ra các tác dụng phụ như đau bụng, buồn nôn và nôn, táo bón hoặc tiêu chảy…
Bên cạnh đó có thể kết hợp thêm các phương pháp kích thích mọc tóc như:
- Minoxidil (Rogaine): có dạng dung dịch, thoa lên da đầu 2 lần/ngày để thúc đẩy sự mọc tóc mới và ngăn tóc rụng thêm. Tác dụng của Minoxidil thường kéo dài khoảng 16 tuần và sau đó tốc độ mọc tóc sẽ chậm lại. Tuy nhiên, có thể tiếp tục sử dụng sau 16 tuần để duy trì hiệu quả. Minoxidil dành cho cả nam và nữ.
- Finasteride (Propecia): có dạng viên nén và chỉ dành cho nam giới. Loại thuốc này có tác dụng làm chậm sự rụng tóc và đôi khi còn giúp kích thích tóc mọc lại.
- Cấy tóc: Mặc dù phương pháp này không thúc đẩy tóc mọc lại nhưng đây là một lựa chọn để khôi phục mái tóc cho những người bị rụng tóc vĩnh viễn. Trong quá trình cấy tóc, các mảng da đầu mang tóc được tách ra và ghép vào vùng hói hoặc chiết và cấy từng nang tóc vào vùng hói.
Ngăn ngừa rụng tóc do thiếu sắt
Các biện pháp ngăn ngừa rụng tóc:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng: Ăn đủ các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt, nội tạng, hải sản, các loại đậu, hạt, sản phẩm làm từ đậu nành, rau lá xanh đậm và trái cây khô.
- Thêm thực phẩm giàu vitamin C vào bữa ăn: Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt hiệu quả hơn nên hãy ăn thực phẩm giàu sắt cùng với các loại thực phẩm giàu vitamin C như ớt chuông, cà chua, khoai tây, bông cải xanh, cam, quýt, ổi…
- Xõa tóc hoặc buộc tóc lỏng: Thường xuyên buộc tóc quá chặt sẽ dẫn đến gãy và rụng tóc.
- Bảo vệ tóc khỏi các yếu tố gây hại: Đội mũ vào những ngày nắng gắt, gió to hoặc thời tiết hanh khô để bảo vệ tóc.
- Chải và gội đầu nhẹ nhàng: Chải hay vò quá mạnh khi gội đầu sẽ gây rụng tóc.
- Hạn chế sử dụng hóa chất: Thuốc nhuộm và các hóa chất làm tóc khác sẽ khiến tóc trở nên hư tổn, suy yếu và dễ rụng.
- Hạn chế để tóc tiếp xúc với nhiệt độ cao: Các thiết bị như máy sấy hay uốn tóc sẽ làm cho tóc bị hư tổn. Nên sử dụng các sản phẩm dưỡng tóc trước khi sấy hay uốn để bảo vệ tóc khỏi tổn hại do nhiệt.