Trứng có dính đốm đỏ có ăn được không?

Đôi khi, trứng đập ra có đốm màu đỏ như máu. Nhiều người cho rằng không nên ăn những quả trứng này vì trứng đã bị hỏng. Điều này có đúng không và tại sao một số quả trứng lại bị như vậy?

Trứng có dính đốm đỏ có ăn được không?Trứng có dính đốm đỏ có ăn được không?

Tại sao trứng có đốm đỏ?

Đốm tròn màu đỏ sẫm như máu thường xuất hiện trên bề mặt của lòng đỏ trứng.

Đây là đốm máu xuất hiện tự nhiên trong chu kỳ đẻ trứng ở một số con gà mái và hoàn toàn không phải dấu hiệu chỉ ra rằng trứng đã được thụ tinh (có trống).

Đốm máu là do các mạch máu nhỏ trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng của gà mái bị vỡ. Buồng trứng của gà có rất nhiều mạch máu nhỏ và đôi khi các mạch máu này bị vỡ trong quá trình hình thành trứng.

Nếu đốm máu dính ở lòng đỏ thì rất có thể hiện tượng chảy máu ở buồng trứng xảy ra khi trứng được phóng từ nang trứng. Nang trứng là túi chứa chất lỏng có một vài mạch máu. Mạch máu có thể bị vỡ ra trong quá trình hình thành trứng và kết quả là máu đọng lại trên lòng đỏ trứng.

Lòng trắng trứng cũng có thể xuất hiện đốm máu. Đốm máu ở lòng trắng có nghĩa là hiện tượng vỡ mạch máu xảy ra sau khi trứng đi vào ống dẫn trứng.

Một loại đốm khác có thể xuất hiện ở lòng đỏ và lòng trắng trứng là đốm thịt. Khác với đốm máu, đốm thịt nằm ở lòng trắng trứng và có dạng cục nhỏ màu nâu, đỏ sậm hoặc trắng.

Đốm thịt đa phần được phát hiện ở lòng trắng trứng và thường hình thành từ các mảnh mô trong quá trình trứng đi qua ống dẫn trứng.

Tóm tắt: Đốm máu thường xuất hiện ở lòng đỏ trứng và nguyên nhân là do các mạch máu nhỏ trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng của gà mái bị vỡ. Mặt khác, đốm thịt thường xuất hiện trong lòng trắng trứng và hình thành từ các mảnh mô.

Đốm máu trong trứng có phổ biến không?

Số lượng trứng có đốm máu ở lòng đỏ là không nhiều.

Trên thực tế, tỷ lệ trứng có đốm máu và đốm thịt chỉ chưa đầy 1% trong tổng số trứng gà được đẻ ra tại các trang trại chăn nuôi hàng năm.

Tuy nhiên, tỷ lệ trứng có đốm máu còn tùy thuộc vào màu sắc của vỏ trứng.

Cụ thể, tỷ lệ xuất hiện những quả trứng như vậy là khoảng 18% ở các giống gà đẻ trứng vỏ nâu, trong khi tỷ lệ ở giống gà đẻ trứng vỏ trắng chỉ là 0,5%. (1)

Ngoài ra, gà mái già ở cuối chu kỳ đẻ trứng và gà mái mới bắt đầu đẻ trứng thường có tỷ lệ đẻ ra trứng có đốm máu cao hơn.

Thiếu dinh dưỡng, chẳng hạn như thiếu vitamin A và vitamin D cũng như là stress ở gà cũng sẽ làm tăng tỷ lệ xuất hiện đốm máu ở trứng

Có cách nào phát hiện đốm máu trong trứng không?

Trước khi bán ra thị trường, trứng tại các trang trại chăn nuôi đều phải trải qua các bước kiểm tra, phân loại nhằm đảm bảo chất lượng trứng tốt nhất đến tay người tiêu dùng.

Trứng gà thương phẩm phải trải qua một quy trình gọi là “soi trứng” – một phương pháp sử dụng ánh sáng để phát hiện những vấn đề bên trong quả trứng.

Trong quá trình soi trứng, những quả trứng có vấn đề bất thường sẽ bị loại bỏ.

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra này có thể vẫn để lọt một số quả trứng có đốm máu và đốm thịt.

Hơn nữa, đốm máu trong trứng gà vỏ nâu khó bị phát hiện hơn trong quá trình soi trứng vì vỏ có màu sẫm. Đây cũng là một lý do tại sao trứng gà vỏ nâu có tỷ lệ có đốm máu cao hơn trứng gà vỏ trắng.

Ngoài ra, trứng bán tại chợ có tỷ lệ đốm máu cao hơn vì không phải trải qua quá trình soi trứng giống như trứng được bán tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch.

Tóm tắt: Trứng gà thương phẩm phải trải qua quá trình soi trứng để phát hiện những vấn đề bất thường trong trứng nhưng quá trình này có thể vẫn bỏ sót một số quả trứng có lẫn đốm máu hoặc đốm thịt. Trứng gà vỏ nâu có tỷ lệ đốm máu cao hơn trứng gà vỏ trắng.

Trứng có đốm máu có ăn được không?

Những vấn đề bất thường bên trong trứng như đốm máu có thể gây lo ngại cho nhiều người nhưng đốm máu hay đốm thịt không ảnh hưởng gì đến chất lượng trứng và những quả trứng này vẫn hoàn toàn có thể ăn được. (2) Tuy nhiên, dù trứng có đốm máu hay không thì cũng không nên ăn trứng sống mà phải nấu chín trước khi ăn để đảm bảo an toàn.

Ăn trứng sống hoặc trứng chưa được nấu chín hoàn toàn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella với các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, buồn nôn và đau bụng.

Cần lưu ý, những quả trứng có lòng trắng ngả màu hồng, xanh hoặc đỏ có thể đã bị nhiễm vi khuẩn và cần phải bỏ ngay.

Phải làm gì khi thấy trứng có đốm máu?

Như đã nói ở trên, đốm máu hay đốm thịt không hề ảnh hưởng đến chất lượng của quả trứng. Do đó, nếu đập trứng ra và thấy có đốm máu thì không cần lo lắng mà cứ sử dụng như bình thường. Còn nếu vẫn cảm thấy không yên tâm thì có thể dùng mũi dao lấy đốm máu ra khỏi lòng đỏ. Áp dụng cách tương tự khi phát hiện thấy đốm thịt trong lòng trắng trứng.

Tóm tắt: Trứng có đốm máu hay đốm thịt vẫn ăn được bình thường. Nếu không yên tâm thì có thể loại bỏ đốm máu khỏi trứng trước khi nấu.

Tóm tắt bài viết

Đốm máu trong trứng không phổ biến nhưng không ảnh hưởng gì đến chất lượng trứng. Đốm máu xuất hiện khi các mạch máu nhỏ trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng của gà mái bị vỡ trong quá trình hình thành trứng. Trứng có đốm máu vẫn ăn được nhưng có thể loại bỏ đốm máu nếu không yên tâm.

Xem thêm: 

  • Ăn trứng có những lợi ích gì cho sức khỏe?
  • Một quả trứng có bao nhiêu protein?
  • Có thể ăn tối đa bao nhiêu quả trứng một ngày?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *