Nồng độ vitamin D cao có thể làm tăng hiệu suất sử dụng oxy của cơ thể và điều này sẽ giúp cải thiện thói quen tập thể dục.
Vitamin D có thể cải thiện thói quen tập thể dục
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin D có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của xương, não bộ và tim.
Và theo một nghiên cứu mới đây, những người có lượng vitamin D cao trong cơ thể có thói quen tập thể dục tốt hơn so với những người có lượng vitamin D thấp.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí European Journal of Preventive Cardiology chỉ ra rằng nồng độ vitamin D cao giúp thúc đẩy khả năng hoạt động thể chất. (1)
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vitamin D đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, tăng cường khả năng tập thể dục và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngược lại, các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng những người tập thể dục thường xuyên có nồng độ vitamin D trong cơ thể hơn cao so với những người ít vận động.
Nghiên cứu này đã đánh giá mối liên hệ giữa mức vitamin D và sức khỏe tim – phổi cũng như là khả năng vận động của cơ thể trong quá trình tập.
Sức khỏe tim – phổi được đo bằng lượng oxy tối đa mà cơ thể tiêu thụ trong suốt buổi tập.
Chỉ số này cho biết mức độ hiệu quả của sự phối hợp giữa phổi và tim trong việc đưa oxy quanh cơ thể đến các cơ trong quá trình tập thể dục. Kết quả đo được gọi là VO2 tối đa (VO2 max).
Những người có sức khỏe tim – phổi tốt hay chỉ số VO2 tối đa cao có thể tập thể dục lâu hơn và cường độ cao hơn.
Điều đó có nghĩa là những người này cũng có sức khỏe tổng thể tốt hơn so với những người có sức khỏe tim mạch yếu và nhờ đó có thể sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.
Kết quả nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá gần 2.000 người trong độ tuổi từ 20 đến 49.
Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2001 đến năm 2004, so sánh nồng độ vitamin D trong máu của mỗi người tham gia với sức khỏe tim mạch (được đo bằng một bài kiểm tra trên máy chạy bộ).
Những người tham gia sau đó được chia thành 4 nhóm dựa trên mức vitamin D trong máu.
Những người thuộc nhóm có mức vitamin D cao nhất có sức khỏe tim – phổi tốt hơn 4.3 lần so với nhóm có mức vitamin D thấp nhất.
Ngay cả sau khi điều chỉnh một số yếu tố ảnh hưởng đến mối liên hệ này, ví dụ như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, chỉ số khối cơ thể (BMI), bệnh cao huyết áp, tiểu đường và tiền sử hút thuốc lá thì vẫn có sự chênh lệch về sức khỏe tim – phổi giữa các nhóm tham gia nghiên cứu.
Nhóm những người có nồng độ vitamin D cao nhất vẫn có sức khỏe tim – phổi cao hơn gần gấp 3 lần so với những người có nồng độ vitamin D thấp nhất.
Tiến sĩ Amr Marawan, trợ lý giáo sư Nội khoa tại Đại học Virginia Commonwealth và đồng tác giả của nghiên cứu nói trên cho biết trong một bài phát biểu tại Hiệp hội tim mạch Châu Âu (European Society of Cardiology – ESC): “Nồng độ vitamin D ảnh hưởng đến khả năng tập thể dục ở cả nam giới và phụ nữ mọi độ tuổi, mọi chủng tộc, bất kể chỉ số khối cơ thể là bao nhiêu, có hút thuốc hay không và tình trạng sức khỏe ra sao (có bị tăng huyết áp hoặc tiểu đường hay không)”. (2)
Nồng độ vitamin D trong máu cứ tăng thêm 10 đơn vị thì chỉ số V02 tối đa sẽ tăng 0.78.
Điều này cho thấy rằng sự gia tăng mức vitamin D dẫn đến sự cải thiện tương đương về khả năng tập thể dục.
Tuy nhiên, tiến sĩ Marawan cũng nói rằng nghiên cứu của ông và đồng nghiệp mới chỉ là nghiên cứu quan sát chứ chưa giải thích được lý do tại sao nồng độ vitamin D cao lại làm tăng khả năng tập thể dục.
Bổ sung vitamin D bằng cách nào?
Vitamin D còn được gọi là vitamin ánh nắng vì vitamin này được tạo ra một cách tự nhiên trong cơ thể khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Vitamin D cũng có trong một số loại thực phẩm, chẳng hạn như cá và lòng đỏ trứng.
Mặc dù cơ thể có khả năng tự tạo ra vitamin D nhưng điều này chỉ diễn ra khi tiếp xúc đủ với ánh nắng. Vì thế mà ở những khu vực có ít nắng hoặc những người thường hay ở trong nhà, cơ thể thường bị thiếu hụt vitamin D.
Vào những mùa có thời tiết âm u và ít nắng, tốt hơn hết nên cung cấp vitamin D cho cơ thể từ các loại thực phẩm như cá béo (cá ngừ, cá thu, cá trích, cá hồi, cá mòi…), dầu gan cá tuyết, lòng đỏ trứng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa có bổ sung thêm vitamin D (fortified milk). Một số loại thực phẩm nguồn gốc thực vật chẳng hạn như cải bó xôi, cải xoăn và nấm cũng có chứa vitamin quan trọng này.
Ngoài ra cũng có thể sử dụng viên uống bổ sung vitamin D.
Khuyến nghị về lượng vitamin D nên bổ sung hàng ngày là từ 400 đến 800 IU (đơn vị quốc tế). Theo một số nghiên cứu thì có thể bổ sung nhiều hơn (lên đến 4.000 IU) để có sức khỏe tim – phổi tốt hơn nhưng đa số các nghiên cứu khác đều không ủng hộ điều này. Không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh mức vitamin D càng cao thì sức khỏe tim – phổi sẽ càng tốt.
Phải thận trọng khi sử dụng viên uống bổ sung.
Uống quá nhiều vitamin D có thể dẫn đến ngộ độc với các triệu chứng là buồn nôn, nôn và suy nhược.
Nicole Weinberg, bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Trung tâm Sức khỏe Saint John ở Santa Monica, California, Mỹ cho biết: “Điều quan trọng nhất để cải thiệc sức khỏe tim mạch và hô hấp là ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và lắng nghe cơ thể”.
Bác sĩ Weinberg luôn khuyến khích bệnh nhân của mình cố gắng tập thể dục và cải thiện chế độ ăn uống để tăng cường sức khỏe tim mạch.
Lợi ích của vitamin D
Nghiên cứu của tiến sĩ Marawan và các đồng nghiệp không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D với sức khỏe tim – phổi và khả năng hoạt động thể chất.
Vào năm 2011, các nhà nghiên cứu tại đại học Harvard đã công bố một nghiên cứu cho thấy rằng những người tập thể dục cường độ cao và thường xuyên có mức vitamin D trong máu cao hơn. (3)
Một nghiên cứu vào năm 2017 của Đại học Johns Hopkins ở Maryland cũng đã cho ra kết quả tương tự. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tập thể dục nhiều hơn có nồng độ vitamin D trong máu cao hơn và càng vận động tích cực thì mức vitamin D càng cao và nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng thấp. (4)
Tuy nhiên, tất cả những nghiên cứu này đều vẫn chưa giải đáp được câu hỏi liệu vitamin D có thúc đẩy khả năng tập thể dục hay không và ngược lại, liệu việc tăng cường tập thể dục có kích thích cơ thể tạo ra thêm vitamin D hay không.
Có vẻ như cả hai yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau.
Điều đó có nghĩa là nếu chỉ bổ sung thêm vitamin D thì sẽ không cải thiện được mức VO2 tối đa hay khả năng hoạt động thể chất mà phải tập thể dục đều đặn thì mới có được các lợi ích.
Tiến sĩ Erin D.Michos, Phó Giáo sư y học và dịch tễ học, Phó Giám đốc khoa Tim mạch dự phòng tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Hoạt động thể chất và sức khỏe có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nên việc bổ sung vitamin D sẽ giúp cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để kết luận vitamin D làm tăng mức VO2 tối đa. Lý do có thể chỉ đơn giản là vì những người tập thể dục nhiều hơn có sức khỏe tố hơn và những người hoạt động ngoài trời nhiều sẽ có mức vitamin D cao hơn. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai để chứng minh vitamin D có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thể lực.”
Tóm tắt bài viết
Những người có mức vitamin D từ vừa đến cao có sức khỏe tim – phổi tốt hơn.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng các sản phẩm bổ sung vitamin D mà thay vào đó nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách hợp lý. (Nói chuyện với bác sĩ da liễu nếu có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư da.) Chỉ dùng viên uống bổ sung vitamin D khi có chỉ định của bác sĩ.
Nếu không biết chắc mình có bị thiếu vitamin D hay không thì nên đi khám để làm xét nghiệm. Nếu kết quả cho thây mức vitamin D thấp thì bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp bổ sung vitamin D an toàn và hiệu quả.