19 sự thật thú vị về móng tay, móng chân
1. Móng được tạo nên từ keratin
Keratin hay chất sừng là một loại protein hình thành các tế bào tạo nên mô ở móng tay, móng chân và các bộ phận khác của cơ thể.
Keratin đóng vai trò quan trọng đối với móng, giúp cho móng cứng cáp và đàn hồi, nhờ đó bảo vệ móng không bị tổn hại.
2. Keratin cũng chính là thành phần tạo nên tóc và da
Keratin cũng là loại protein hình thành nên các tế bào tóc và da. Ngoài ra, keratin còn tạo nên các tế bào của nhiều tuyến và cơ quan nội tạng trong cơ thể.
3. Phần móng mà bạn nhìn thấy là những tế bào đã chết
Móng bắt đầu hình thành ở bên dưới da. Khi các tế bào mới được tạo ra, chúng sẽ đẩy những tế bào cũ qua da. Phần móng mà bạn có thể nhìn thấy được tạo nên từ các tế bào chết. Đó là lý do tại sao bạn không cảm thấy đau khi cắt móng tay, móng chân.
4. Nhưng móng vẫn cần được cung cấp máu
Bên dưới giường móng có các mạch máu nhỏ, được gọi là mao mạch. Máu chảy qua các mao mạch đến móng, giúp cho móng dài ra và có màu hồng.
* Giường móng là phần mô mềm màu hồng nằm bên dưới đĩa móng – phần cứng của móng.
5. Móng cũng có dây thần kinh cảm giác
Mặc dù phần móng mà bạn có thể nhìn thấy là các tế bào đã chết và không có cảm giác nhưng lớp da dưới móng tay, được gọi là lớp hạ bì, vẫn có các đầu mút dây thần kinh cảm giác. Các dây thần kinh này truyền tín hiệu đến não bộ khi có lực tác động lên móng.
6. Móng tay dài ra khoảng 3,5mm mỗi tháng
Và tốc độ dài ra của móng chân là khoảng 1,5 mm mỗi tháng. Đó là tốc độ dài móng trung bình ở người lớn khỏe mạnh. Chế độ dinh dưỡng và các biện pháp chăm sóc móng là những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ mọc của móng.
7. Móng sẽ ngừng dài ra sau khi chết
Không ít người cho rằng móng vẫn tiếp tục mọc dài ra sau khi một người chết đi nhưng điều này là không đúng. Sở dĩ có lời đồn đại này là vì sau khi chết, da bị mất nước và co rút, khiến cho móng trông có vẻ dài ra.
8. Móng của nam giới dài ra nhanh hơn phụ nữ
Cả tóc và móng của nam giới đều mọc dài nhanh hơn so với phụ nữ. Tuy nhiên, trong thời kỳ mang thai, móng và tóc của phụ nữ lại có tốc độ mọc nhanh hơn nam giới.
9. Móng ở bàn tay thuận dài nhanh hơn
Nếu bạn thuận tay phải, móng của bàn tay này sẽ dài ra nhanh hơn tay trái và ngược lại. Lý do của điều này có thể là bởi bàn tay thuận hoạt động nhiều hơn (xem thêm ở mục 11).
10. Tốc độ dài ra của móng thay đổi theo mùa
Móng dài ra nhanh hơn vào mùa hè so với mùa đông. Chưa có nhiều nghiên cứu lý giải cho điều này nhưng một nghiên cứu được thực hiện trên chuột đã phát hiện ra rằng thời tiết lạnh làm chậm sự phát triển của móng.
11. Mức độ hoạt động tay cũng ảnh hưởng đến tốc độ mọc của móng
Sử dụng tay nhiều khiến móng dễ bị tổn thương nhẹ do những lực tác động như gõ xuống bàn, cọ xát hoặc sử dụng bàn phím. Điều này thúc đẩy lưu thông máu trên tay và giúp móng dài ra nhanh hơn.
12. Màu móng thay đổi theo tình trạng sức khỏe
Khoảng 10% các bệnh da liễu có liên quan đến móng. Móng bình thường vốn có màu hồng nhạt. Móng tay có màu vàng, nâu hoặc xanh thường là những dấu hiệu bị nhiễm nấm. Trong một số trường hợp, móng chuyển màu vàng là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp, bệnh vẩy nến hoặc tiểu đường.
13. Đốm trắng trên móng tay không phải lúc nào cũng là do thiếu canxi
Các đốm hoặc vệt màu trắng xuất hiện trên móng tay thường là do móng bị tổn thương nhẹ, chẳng hạn như do cắn móng tay. Những đốm này thường vô hại và sẽ tự biến mất sau một thời gian.
14. Stress có thể ảnh hưởng đến móng
Stress có thể khiến móng mọc chậm hơn hoặc thậm chí tạm thời ngừng phát triển. Và khi bắt đầu dải ra trở lại, móng có thể xuất hiện các đường ngang. Chúng thường vô hại và cũng sẽ tự biến mất.
15. Cắn móng tay là thói quen phổ biến nhất khi lo lắng
Cắn móng tay là thói quen vô thức của rất nhiều người khi ở trong tình huống lo lắng, căng thẳng. Điều này thường không gây ra tổn hại gì về lâu dài nhưng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh do lây lan vi trùng từ tay sang miệng. Tổn thương vùng da xung quanh móng tay cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng.
16. Móng cần được “thở”
Để giữ cho móng tay, móng chân khỏe mạnh thì thi thoảng hãy tạm ngừng sơn móng hay gắn móng giả. Sử dụng và tẩy sơn hay gỡ bỏ móng giả sẽ gây tổn hại đến móng thật và khiến cho móng yếu đi. Việc tạm ngừng các thói quen làm đẹp này sẽ giúp móng có thời gian “nghỉ ngơi” và tự phục hồi.
17. Độ dày của móng là do di truyền
Tốc độ dài ra và các đặc điểm khác của móng một phần được quyết định bởi gen di truyền. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như tuổi tác và tình trạng sức khỏe.
18. Da quanh móng có chức năng bảo vệ móng
Vùng da nhỏ ở gốc móng có chức năng bảo vệ móng mới khỏi vi trùng khi móng mọc qua da. Không nên cắt bỏ lớp da này vì làm như vậy sẽ làm mất đi “lá chắn” ngăn ngừa nhiễm trùng.
19. Móng là đặc điểm tạo nên sự khác biệt giữa động vật linh trưởng với các loài động vật có vú khác
Các loài linh trưởng, bao gồm cả con người, có móng tay, móng chân phẳng dẹt và ngắn trong khi các loài động vật có vú khác có móng vuốt. Một điểm khác biệt nữa ở bàn tay con người là ngón cái có thể dịch chuyển để đối diện với 4 ngón còn lại. Nhờ đó nên con người có đôi tay linh hoạt hơn và có thể cầm nắm đồ vậ chắc hơn các loài động vật có vú khác.
Tóm tắt bài viết
Móng tay, móng chân phản ánh tình trạng sức khỏe tổng thể. Những thay đổi về màu sắc, hình dạng móng hay sự gián đoạn trong quá trình dài ra của móng có thể là các dấu hiệu cho thấy vấn đề về sức khỏe, thiếu hụt dinh dưỡng hoặc căng thẳng thần kinh. Nếu nhận thấy những thay đổi bất thường ở móng, đặc biệt là khi còn kèm theo các dấu hiệu khác trên cơ thể thì nên đi khám để phát hiện sớm vấn đề.
Để giữ cho móng tay, móng chân chắc khỏe thì nên:
- Cắt móng thường xuyên, không để móng quá dài.
- Nếu để móng tay dài thì phải chà cả mặt dưới của móng mỗi khi rửa tay để loại bỏ vi trùng. Thi thoảng có thể sử dụng bàn chải cọ móng để vệ sinh kỹ.
- Vệ sinh dụng cụ làm móng trước mỗi lần sử dụng. Yêu cầu nhân viên thực hiện điều này khi đi làm móng ngoài tiệm.
- Không cắn móng tay.
- Không dùng móng tay để xé hoặc cạy đồ.
- Không cắn hay cạy phần da xước mang rô mà hãy sử dụng dụng cụ cắt móng đã được khử trùng để cắt bỏ.