TIBC hay khả năng gắn sắt toàn phần là một phương pháp xét nghiệm đo lượng sắt có trong máu, giúp phát hiện tình trạng thiếu sắt hoặc thừa sắt.
Xét nghiệm TIBC (khả năng gắn sắt toàn phần) là gì? Khi nào cần thực hiện?
Xét nghiệm TIBC là gì?
Sắt có mặt trong tất cả các tế bào của cơ thể. Xét nghiệm TIBC hay xét nghiệm khả năng gắn sắt toàn phần (total iron binding capacity) là một phương pháp xét nghiệm máu để đánh giá lượng sắt có trong máu.
Đa số mọi người đều được cung cấp đủ lượng sắt cần thiết từ chế độ ăn uống. Chất sắt có trong nhiều loại thực phẩm như:
- Các loại rau lá xanh đậm, chẳng hạn như cải xoăn
- Các loại đậu
- Trứng
- Thịt gia cầm
- Hải sản
- Các loại ngũ cốc
- Các loại hạt
- Trái cây khô
Khi đi vào cơ thể, sắt sẽ được vận chuyển trong máu bởi transferrin – một loại protein được sản xuất trong gan. Xét nghiệm TIBC giúp đánh giá khả năng vận chuyển sắt trong máu.
Khi đã có trong máu, sắt sẽ tham gia vào quá trình hình thành hemoglobin hay huyết sắc tố – một loại protein quan trọng trong hồng cầu. Hồng cầu là các tế bào máu có nhiệm vụ mang oxy đi khắp cơ thể để có thể duy trì các hoạt động một cách bình thường. Sắt được coi là một khoáng chất thiết yếu vì cơ thể chúng ta không thể tạo ra hemoglobin nếu không có sắt.
Lượng sắt khuyến nghị hàng ngày
Dưới đây là khuyến nghị của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) về lượng sắt cần cung cấp cho cơ thể hàng ngày ở mỗi nhóm tuổi và giới tính.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- 6 tháng tuổi trở xuống: 0,27 miligam (mg)/ngày
- 7 tháng tuổi đến 1 tuổi: 11 mg/ngày
- Từ 1 đến 3 tuổi: 7 mg/ngày
- Từ 4 đến 8 tuổi: 10 mg/ngày
- Từ 9 đến 12 tuổi: 8 mg/ngày
Nam giới (thanh thiếu niên và người trưởng thành)
- 13 tuổi: 8 mg/ngày
- Từ 14 đến 18 tuổi: 11 mg/ngày
- Từ 19 tuổi trở lên: 8 mg/ngày
Nữ giới (thanh thiếu niên và người trưởng thành)
- 13 tuổi: 8 mg/ngày
- Từ 14 đến 18 tuổi: 15 mg/ngày
- Từ 19 đến 50 tuổi: 18 mg/ngày
- 51 tuổi trở lên: 8 mg/ngày
- Đang mang thai: 27 mg/ngày
- Từ 14 đến 18 tuổi và đang cho con bú: 10 mg/ngày
- Từ 19 đến 50 tuổi và đang cho con bú: 9 mg/ngày
Một số người, chẳng hạn như những người đang bị thiếu sắt, có thể cần lượng sắt cao hơn so với mức khuyến nghị nêu trên.
Mục đích của xét nghiệm TIBC
Bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm TIBC để phát hiện các bệnh lý ảnh hưởng đến lượng sắt trong cơ thể.
Nguyên nhân dẫn đến nồng độ sắt thấp
Xét nghiệm TIBC được thực hiện trong những trường hợp có các triệu chứng của bệnh thiếu máu. Thiếu máu có biểu hiện đặc trưng là số lượng hồng cầu hay huyết sắc tố thấp.
Thiếu sắt – dạng thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất trên thế giới – thường là nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu sắt cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân như mang thai.
Các triệu chứng thường gặp khi nồng độ sắt ở mức thấp gồm có:
- Cảm giác mệt mỏi, không có sức lực
- Da xanh xao, nhợt nhạt
- Dễ mắc các bệnh nhiễm trùng
- Hay cảm thấy lạnh
- Lưỡi sưng đỏ
- Khó tập trung
- Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân dẫn đến nồng độ sắt cao
Xét nghiệm TIBC cũng có thể được chỉ định nếu bác sĩ nghi ngờ nồng độ sắt trong máu ở mức cao bất thường.
Nồng độ sắt tăng cao thường là do một bệnh lý tiềm ẩn. Trong một số trường hợp, điều này có thể xảy ra do uống bổ sung vitamin hoặc sắt quá liều.
Các triệu chứng thường gặp khi nồng độ sắt ở mức cao gồm có:
- Cảm giác mệt mỏi, suy nhược
- Đau khớp
- Da chuyển màu vàng đồng hoặc xám
- Đau bụng
- Sụt cân đột ngột
- Giảm ham muốn tình dục
- Rụng tóc
- Rối loạn nhịp tim
Cần chuẩn bị gì trước xét nghiệm TIBC?
Trước khi xét nghiệm cần phải nhịn ăn uống trong vòng ít nhất 8 tiếng để có kết quả chính xác.
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm TIBC nên hãy thông báo với nhân viên y tế về tất cả các loại thuốc cả kê đơn cả không kê đơn đang dùng để được hướng dẫn ngừng thuốc nếu cần. Nếu đang dùng thuốc kê đơn thì tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm TIBC gồm có:
- Hormone kích thích vỏ thượng thận
- Thuốc tránh thai
- Chloramphenicol – một loại thuốc kháng sinh
- Fluorid
Quy trình xét nghiệm TIBC
Xét nghiệm TIBC có thể được thực hiện cùng với xét nghiệm sắt huyết thanh – phương pháp đo lượng sắt trong máu. Các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định liệu lượng sắt trong máu có đang ở mức cao hoặc thấp bất thường hay không.
Để làm xét nghiệm thì sẽ cần lấy một mẫu máu nhỏ. Máu thường được lấy từ tĩnh mạch ở bàn tay hoặc bên trong khuỷu tay. Quy trình lấy máu gồm các bước như sau:
- Sát khuẩn vị trí lấy máu, sau đó buộc một sợi dây thun (garo) quanh cánh tay để làm cho tĩnh mạch nổi lên.
- Khi xác định được tĩnh mạch, nhân viên y tế sẽ đưa kim vào và lấy đủ lượng máu cần thiết. Lúc này có thể sẽ cảm thấy hơi nhói một chút.
- Sau khi đã lấy đủ máu, nhân viên y tế sẽ tháo garo, đặt một miếng bông lên vị trí lấy máu và nhanh chóng rút kim ra. Có thể sẽ cần ấn lên vị trí đó trong vài phút để ngăn chảy máu.
- Mẫu máu được bơm vào ống nghiệm và gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Xét nghiệm TIBC cũng có thể được thực hiện bằng bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà của hãng LetsGetChecked. Bộ dụng cụ này sử dụng mẫu máu lấy từ đầu ngón tay. Nếu chọn phương pháp xét nghiệm tại nhà này thì người dùng thì sẽ cần gửi mẫu máu của mình đến phòng thí nghiệm và nhận kết quả trực tuyến trong vòng 5 ngày. Phương pháp xét nghiệm tại nhà có ưu điểm là giúp tiết kiệm thời gian vì không cần đến bệnh viện nhưng hiện tại chưa được cấp phép sử dụng tại Việt Nam.
Rủi ro của xét nghiệm TIBC
Xét nghiệm máu an toàn và có rất ít rủi ro. Đa số mọi người đều chỉ hơi đau hoặc bầm tím nhẹ xung quanh vị trí lấy máu. Những hiện tượng này thường tự hết trong vòng vài ngày.
Rất hiếm khi vấn đề biến chứng nghiêm trọng sau xét nghiệm máu nhưng đôi khi có thể xảy ra. Các vấn đề này gồm có:
- Chảy máu nhiều
- Ngất hoặc chóng mặt
- Tụ máu dưới da
- Nhiễm trùng tại vị trí lấy máu
Kết quả xét nghiệm
Kết quả xét ngiệm TIBC dao động trong khoảng 250 đến 450 mcg/dL được coi là bình thường.
Kết quả trên 450 mcg/dL có nghĩa là nồng độ sắt trong máu đang ở mức thấp và nguyên nhân có thể là do:
- Thiếu sắt trong chế độ ăn uống
- Mất nhiều máu trong kỳ kinh nguyệt
- Mang thai
Kết quả xét ngiệm TIBC dưới 250 mcg/dL thường có nghĩa là nồng độ sắt trong máu đang ở mức thấp và nguyên nhân có thể là do:
- Thiếu máu tan máu – tình trạng hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn so với tốc độ sản sinh hồng cầu mới
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm – một bệnh di truyền trong đó hồng cầu có hình dạng bất thường
- Bệnh ứ sắt – một rối loạn di truyền trong đó lượng sắt tăng cao và tích tụ trong cơ thể
- Ngộ độc sắt hoặc chì
- Thường xuyên phải truyền máu
- Tổn thương gan
Bác sĩ sẽ giải thích kết quả xét nghiệm cụ thể và hướng dẫn các bước tiếp theo.
Nếu mắc một bệnh lý tiềm ẩn thì cần phải điều trị ngay. Nếu không điều trị thì sẽ có nguy cơ cao xảy ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Bệnh gan
- Nhồi máu cơ tim
- Suy tim
- Bệnh tiểu đường
- Vấn đề về xương khớp
- Vấn đề trao đổi chất
- Rối loạn nội tiết tố