Trứng là một loại thực phẩm chức trong bữa ăn của nhiều gia đình. Trứng có thể để được 3 – 5 tuần trong ngăn mát tủ lạnh nhưng nhiều người băn khoăn không biết nếu cho trứng vào ngăn đông thì có bảo quản được lâu hơn hay không.
Có nên bảo quản trứng trong ngăn đá tủ lạnh không?
Có nên bảo quản trứng trong ngăn đá không?
Có thể bảo quản trứng trong ngăn đá nhưng không phải cứ mua trứng về là có thể cho ngay vào tủ lạnh.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), tuyệt đối không được đông lạnh trứng sống nguyên vỏ. (1)
Khi trứng sống được đông lạnh, chất lỏng bên trong sẽ nở ra và làm nứt vỏ. Kết quả là trứng có thể bị hỏng và có nguy cơ nhiễm vi khuẩn.
Ngoài ra, việc đông lạnh trứng sống nguyên vỏ sẽ làm thay đổi kết cấu của trứng vì lòng đỏ sẽ đặc lại và giống như gel. Điều này sẽ khiến trứng khó sử dụng trong nấu nướng hoặc làm bánh sau khi rã đông.
Cũng không nên đông lạnh đã trứng luộc chín vì lòng trắng sẽ trở nên chai cứng và chảy nước khi rã đông.
Tuy nhiên, có thể đông lạnh lòng trắng trứng sống, lòng đỏ trứng sống, trứng nguyên quả đã đánh và các món ăn có trứng đã nấu chín.
Sau khi làm các món ăn chỉ dùng lòng trắng hoặc lòng đỏ, chúng ta có thể cất phần còn lại vào ngăn đá để dùng sau. Như vậy sẽ giúp tránh lãng phí thực phẩm.
Tóm tắt: Không nên đông lạnh trứng luộc và trứng sống nguyên vỏ để tránh bị nhiễm khuẩn và thay đổi tiêu cực về kết cấu. Có thể đông lạnh trứng nguyên quả sau khi đánh, lòng trắng trứng sống, lòng đỏ trứng sống và các món ăn từ trứng nấu chín.
Lòng trắng và lòng đỏ trứng thay đổi như thế nào khi đông lạnh?
Trứng gồm có hai phần là lòng đỏ và lòng trắng. Mỗi phần sẽ có sự thay đổi khác nhau khi đông lạnh.
Thay đổi về kết cấu
Lòng trắng trứng sống được tạo nên chủ yếu từ nước và protein. Việc đông lạnh và rã đông thường không gây ảnh hưởng nhiều đến kết cấu sau khi nấu chín của lòng trắng.
Tuy nhiên, đông lạnh có thể làm tăng khả năng bông của lòng trắng trứng – đây là một đặc tính quan trọng được sử dụng để tạo ra các loại bánh mềm nhẹ và bông xốp như bánh chiffon.
Một nghiên cứu cho thấy khi được đông lạnh, một số protein trong lòng trắng trứng bị biến tính hay mất đi hình dạng ban đầu. Kết quả là sau khi rã đông, lòng trắng trứng sẽ bông tốt hơn khi đánh. (2)
Ngược lại, lòng đỏ trứng sống sau khi đông lạnh sẽ đặc lại giống như gel. Hiện tượng này được gọi là sự đông đặc và nghiên cứu cho thấy rằng đó là kết quả của các tinh thể đá hình thành trong lòng đỏ.
Mặc dù vậy nhưng vẫn có thể đông lạnh lòng đỏ trứng sống. Thêm đường hoặc muối vào lòng đỏ trước khi đưa vào ngăn đá sẽ giúp ngăn ngừa sự đông đặc, nhờ đó cải thiện kết cấu của lòng đỏ sau khi rã đông và nấu chín.
Ngoài ra, đánh đều lòng trắng với lòng đỏ trước khi đông lạnh cũng giúp ngăn chặn sự đông đặc và bảo toàn kết cấu của trứng. Có thể dùng hỗn hợp trứng sau khi rã đông làm các món ăn như trứng bác, trứng hấp và một số loại bánh.
Thay đổi về hương vị
Mặc dù hương vị của trứng sống và trứng chín không bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình đông lạnh nhưng bất kỳ thành phần nào được thêm vào trứng trước đông lạnh đều có thể làm thay đổi hương vị của trứng.
Ví dụ, lòng đỏ trứng sẽ có vị hơi ngọt hoặc mặn nếu thêm đường hoặc muối vào trước khi đông lạnh để ngăn lòng đỏ đặc lại.
Ngoài ra, các sản phẩm trứng đông lạnh bán sẵn có thể chứa chất bảo quản hoặc các thành phần khác ảnh hưởng đến hương vị. Vì thế nên khi mua hãy nhớ đọc danh sách thành phần của sản phẩm.
Tóm tắt: Đông lạnh không làm thay đổi đáng kể mùi vị và kết cấu lòng trắng trứng. Tuy nhiên, lòng đỏ trứng sẽ trở nên giống như gel khi đông lạnh. Để tránh điều này thì có thể thêm muối hay đường vào lòng đỏ hoặc đánh tan lòng đỏ với lòng trắng trứng trước khi đông lạnh.
Cách đông lạnh trứng
Mặc dù không nên đông lạnh trứng sống nguyên vỏ nhưng vẫn có thể đông lạnh lòng đỏ và lòng trắng trứng sống, có thể tách riêng hoặc đánh đều hai phần với nhau. Ngoài ra, các món ăn làm từ trứng như cũng có thể được đông lạnh sau khi nấu chín.
Khi bảo quản trong tủ đông, trứng sống có thể để được trong thời gian lên đến 12 tháng còn các món ăn từ trứng đã nấu chín chỉ để được trong vòng 2 – 3 tháng. Sau khi rã đông cần hâm nóng lại rồi mới ăn.
Trứng nguyên quả
Để đông lạnh trứng nguyên quả, hãy đập trứng vào bát, sau đó nhẹ nhàng đánh cho đến khi lòng đỏ và lòng trắng hòa quyện với nhau.
Đổ hỗn hợp vào một hộp đựng kín và cho vào ngăn đá. Để tiện cho việc rã đông và nấu nướng thì tốt nhất nên đánh đều và để riêng từng quả trứng. Dán nhãn ghi ngày và số lượng trứng bên ngoài mỗi hộp để tránh bị quên.
Lòng trắng trứng
Đập trứng và cẩn thận tách riêng lòng trắng lòng đỏ. Sau đó đổ từng lòng trắng trứng vào khay đá hoặc hộp nhỏ rồi cho vào ngăn đá. Dán nhãn ghi ngày và số lượng lòng trắng bên ngoài mỗi hộp.
Lòng đỏ trứng
Làm vỡ lớp màng bao ngoài lòng đỏ và nhẹ nhàng đánh lên cho đến khi lòng đỏ lỏng ra.
Thêm muối hoặc đường vào lòng đỏ đã đánh để tránh lòng đỏ bị đặc lại sau khi đông lạnh. Tỷ lệ là 1/4 thìa cà phê muối hoặc ½ – 1 thìa cà phê đường cho 4 lòng đỏ. Đánh đến khi đường và muối tan hết.
Đổ hỗn hợp vào hộp đựng kín và cho vào ngăn đá tủ lạnh. Dán nhãn ghi ngày, số lượng lòng đỏ và ghi chú có thêm đường hoặc muối ở bên ngoài hộp.
Món ăn từ trứng
Để đông lạnh các món ăn từ trứng thì cần chờ cho món ăn nguội hẳn sau khi nấu chín. Sau đó, cho món ăn vào hộp đựng kín và cho vào ngăn đông.
Nếu lượng đồ ăn lớn thì nên chia ra thành từng phần nhỏ. Làm vậy sẽ giúp món ăn rã đông nhanh hơn và dễ hâm nóng hơn. Việc rã đông cả một lượng lớn đồ ăn mà không dùng hết sẽ khiến cho phần còn lại bị nhiễm khuẩn.
Bọc từng phần ăn trong màng bọc thực phẩm, đặt lên một chiếc khay lớn và đưa vào ngăn đá cho đến khi đồ ăn đông cứng. Sau đó chuyển các phần ăn vào túi zipper hoặc hộp đựng và để trong tủ đông.
Tóm tắt: Trứng sống nguyên quả có thể được đông lạnh sau khi đánh đều lòng đỏ với lòng trắng hoặc cũng có thể tách riêng hai phần trước khi cho vào ngăn đông. Nên thêm đường hoặc muối vào lòng đỏ để tránh lòng đỏ bị đặc lại. Trứng sống có thể trữ đông lên đến 1 năm, trong khi các món ăn từ trứng chỉ nên trữ đông tối đa 2 – 3 tháng.
Cách rã đông và sử dụng trứng đông lạnh
Cả trứng sống và trứng chín nên được rã đông và sau đó nấu chín kỹ đến nhiệt độ 71 độ C (160 độ F) trước khi ăn để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm. (1)
Để rã đông, chỉ cần chuyển trứng từ ngăn đá sang ngăn mát và để qua đêm. Nếu được bảo quản trong hộp hoặc túi kín thì có thể rã đông trứng sống bằng cách ngâm trong nước. Trứng nguyên quả, lòng đỏ và lòng trắng trứng sống nên được nấu chín ngay sau khi rã đông.
Trứng sống sau khi rã đông cũng có thể được sử dụng làm thành nhiều món ăn giống như trứng tươi như trứng hấp, trứng rán, trứng bác, xào, trộn cùng các nguyên liệu khác hay các món bánh cần dùng trứng.
Đối với các món ăn có trứng đã nấu chín, có thể hâm nóng lại bằng lò vi sóng, lò nướng, hấp, chần hoặc chiên sau khi rã đông. Mỗi một món ăn cụ thể sẽ có phương pháp làm nóng lại khác nhau.
Tóm tắt: Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm thì trứng đông lạnh nên được rã đông trong ngăn mát và nấu đến khi nhiệt độ bên trong đạt 71 độ C (160 độ F). Trứng sống đã rã đông có thể được sử dụng cho nhiều món ăn mặn và ngọt giống như trứng tươi.
Tóm tắt bài viết
Không được để đông lạnh trứng sống nguyên vỏ và trứng luộc nhưng có thể đập trứng ra, đánh đều lên rồi cất vào tủ đông hoặc trữ đông riêng lòng trắng và lòng đỏ.
Mặc dù kết cấu của trứng sẽ có sự thay đổi khi đông lạnh nhưng sau khi rã đông, trứng vẫn có thể được sử dụng làm thành nhiều món ăn khác nhau.