Có mặt trong khắp cơ thể, kẽm là một nguyên tố vi lượng thiết yếu có vai trò quan trọng đối với chức năng của hệ miễn dịch, sự trao đổi chất và nhiều quá trình khác. Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng kẽm có thể giúp điều trị các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm (eczema).
Tác dụng của kẽm trong điều trị viêm da cơ địa
Kẽm có đặc tính chống viêm và có khả năng thúc đẩy sự tái tạo tế bào ở vết thương trên da, nhờ đó giúp cho vết thương nhanh lành hơn. Ngoài ra, kẽm oxit (zinc oxide) từ lâu đã được sử dụng để trị hăm tã nhờ có tác dụng làm dịu và giảm ngứa.
Nghiên cứu về tác dụng trị viêm da cơ địa của kẽm
Theo một nghiên cứu vào năm 2014, khi được cho thêm kẽm sulfat (zinc sulfate) thì kem clobetasol có hiệu quả điều trị viêm da cơ địa ở bàn tay cao hơn hẳn so với kem không chứa kẽm sulfat. Các nhà nghiên cứu còn nhận thấy rằng nhờ có tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hóa mạnh nên kẽm oxit cũng có tác dụng điều trị viêm da cơ địa. (1)
Một nghiên cứu vào năm 2016 kết luận rằng tình trạng thiếu hụt kẽm và viêm da cơ địa có nhiều đặc điểm chung nhưng vẫn cần thực hiện thêm các nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác định mối liên hệ giữa hai tình trạng này. (2)
Một nghiên cứu vào năm 2013 đã sử dụng vải tẩm kẽm oxit đắp lên vùng da bị viêm da cơ địa và kết quả cho thấy phương pháp này giúp giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh, đặc biệt là triệu chứng ngứa ngáy và nhờ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ cho người bệnh. (3)
Cách sử dụng kẽm để giảm ngứa do viêm da cơ địa
Triệu chứng điển hình của viêm da cơ địa là ngứa ngáy dữ dội ở vùng da bị bệnh. Có thể giảm ngứa do viêm da cơ địa bằng cách bôi kem calamine. Một trong những thành phần chính trong các sản phẩm này là kẽm oxit.
Nghiên cứu chỉ ra rằng kẽm là thành phần giúp giảm ngứa hiệu quả vì kẽm có khả năng ức chế sự phân hủy tế bào mast, làm giảm sự tiết histamin – nguyên nhân góp phần gây ngứa.
Tác dụng phụ của các sản phẩm chứa kẽm
Dù là da nhạy cảm hay da thường thì tất cả các sản phẩm bôi da đều có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm cả các sản phẩm có chứa kẽm.
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra là mẩn đỏ, ngứa và sưng tấy.
Trước khi dùng một sản phẩm mới có chứa kẽm để trị viêm da cơ địa thì nên thực hiện các bước dưới đây để thử phản ứng dị ứng.
- Chọn một vùng da nhỏ ở những vị trí dễ quan sát như mặt trong của cánh tay hoặc cổ tay.
- Thoa một lượng nhỏ sản phẩm lên vùng da đã chọn và đợi trong 24 tiếng.
- Nếu không có hiện tượng nào xảy ra thì có thể dùng sản phẩm lên những vùng da bị viêm da cơ địa. Còn nếu bị mẩn đỏ, nổi mề đay hoặc nóng rát thì không được sử dụng sản phẩm.
Ngoài ra, phải đọc kỹ danh sách thành phần của sản phẩm để xem có chất nào gây dị ứng hay không và làm đúng theo hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn.
Dấu hiệu thiếu hụt kẽm
Trong thời gian đầu, tình trạng thiếu hụt kẽm cũng có một số dấu hiệu tương tự như viêm da cơ địa. Khi không có đủ kẽm, cơ thể sẽ không thể sản sinh ra các tế bào mới khỏe mạnh.
Các dấu hiệu, triệu chứng có thể gặp phải khi bị thiếu kẽm gồm có:
- Ăn không ngon miệng
- Sức đề kháng kém
- Vết thương chậm lành
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Thiếu tỉnh táo
- Rụng tóc
- Giảm khứu giác và vị giác
Có thể dễ dàng khắc phục sự thiếu hụt kẽm bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm hoặc dùng viên uống bổ sung kẽm.
Tóm tắt bài viết
Kẽm là một chất dinh dưỡng thiết yếu hỗ trợ nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể. Nghiên cứu chỉ ra rằng kẽm có lợi cho làn da và có thể giúp điều trị viêm da cơ địa.
Tuy nhiên, vẫn nên đi khám bác sĩ da liễu để được hướng dẫn cách sử dụng kẽm hiệu quả nhất và các phương pháp khác để kiểm soát tình trạng bệnh.
Xem thêm:
- Viêm da cơ địa: Bác sĩ trả lời, Hỏi đáp, Hướng dẫn
- Bệnh viêm da cơ địa có khỏi hoàn toàn không?
- Phòng tránh viêm da cơ địa