Hậu quả chính của ngộ độc vitamin D là tăng canxi huyết với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, mệt mỏi và suy thận.
Thế nào là ngộ độc vitamin D?
Ngộ độc vitamin D xảy ra khi tiêu thụ một lượng vitamin D quá lớn nhưng điều này là rất hiếm gặp. Tình trạng ngộ độc thường xảy ra dần dần theo thời gian vì vitamin D có thể tích tụ ở trong cơ thể.
Hầu như tất cả các trường hợp ngộ độc vitamin D đều là do dùng uống bổ sung vitamin D quá liều. Dư thừa vitamin D do tiếp xúc với ánh nắng hay do chế độ ăn uống là điều gần như không thể.
Vậy thế nào là dư thừa vitamin D và có thể dẫn đến ngộ độc?
Ngộ độc vitamin D là gì và xảy ra khi nào?
Ngộ độc vitamin D (hypervitaminosis D) là tình trạng mà nồng độ vitamin D trong cơ thể tăng quá cao đến mức gây hại.
Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo, cùng nhóm với vitamin A, E, and K. Các vitamin tan trong chất béo không dễ bị đào thải khỏi cơ thể như các vitamin tan trong nước (ví dụ như vitamin nhóm B).
Vì lý do này nên khi nồng độ tăng cao thì lượng vitamin dư thừa sẽ có thể tích tụ ở trong cơ thể.
Cơ chế chính xác dẫn đến ngộ độc vitamin D rất phức tạp và đến nay vẫn chưa được hiểu rõ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dạng hoạt động của vitamin D có chức năng tương tự như một hormone steroid, đó là di chuyển bên trong tế bào và báo cho tế bào bật hoặc tắt gen.
Thông thường, phần lớn vitamin D trong cơ thể đều ở dạng dự trữ, liên kết với các thụ thể vitamin D hoặc protein xuyên màng. Có rất ít vitamin D “tự do”.
Tuy nhiên, khi tiêu thụ quá nhiều vitamin D thì nồng độ trong máu có thể tăng cao đến mức không còn chỗ trống trên các thụ thể hoặc protein xuyên màng.
Điều này có thể dẫn đến nồng độ vitamin D “tự do” trong cơ thể tăng cao, vitamin đi vào bên trong các tế bào và cản trở các quá trình truyền tín hiệu vốn bị ảnh hưởng bởi vitamin D, trong đó có quá trình truyền tín hiệu liên quan đến sự tăng khả năng hấp thụ canxi từ hệ tiêu hóa.
Kết quả là nồng độ canxi trong máu tăng cao hay tăng canxi huyết. Đây là một trong những triệu chứng chính của ngộ độc vitamin D.
Mức canxi tăng cao có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau và canxi cũng có thể liên kết, làm hỏng các mô trong cơ thể, bao gồm cả mô thận.
Tóm tắt: Ngộ độc vitamin D xảy ra khi nồng độ vitamin D trong cơ thể tăng quá cao, dẫn đến tăng canxi huyết và các triệu chứng khác.
Nồng độ vitamin D trong máu bao nhiêu là bình thường?
Vitamin D là một loại vitamin thiết yếu và hầu hết mọi tế bào trong cơ thể đều có một thụ thể để vitamin D có thể liên kết.
Vitamin D được tổng hợp trong da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Vitamin này còn có trong các loại thực phẩm như dầu gan cá tuyết, các loại cá béo, gan, nấm và lòng đỏ trứng.
Một cách nữa để tăng lượng vitamin D cho cơ thể là dùng viên uống bổ sung.
Vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe của xương, ngoài ra còn giúp tăng cường chức năng miễn dịch và ngăn ngừa một số bệnh ung thư.
Nồng độ vitamin D trong máu được chia thành các mức như sau: (1)
- Đủ: 20 – 30 ng/ml hoặc 50 – 75 nmol/L
- Cao nhưng vẫn trong phạm vi an toàn: 60 ng/ml hay 150 nmol/L
- Dư thừa hay ngộ độc: trên 150 ng/mL hay 375 nmol/L
Bổ sung 1000 – 4000 IU (25 – 100 microgam) hàng ngày là đủ để đảm bảo nồng độ vitamin D tối ưu cho hầu hết mọi người.
Tóm tắt: Nồng độ vitamin D trong khoảng 20 – 30 ng/ml được coi là đủ. Khi tăng lên đến 60 ng/ml thì được coi là mức nồng độ cao nhưng vẫn chưa gây hại. Nồng độ vitamin D trong máu trên 150 ng/ml có thể dẫn đến các triệu chứng ngộ độc.
Nên bổ sung bao nhiêu vitamin D mỗi ngày?
Vì nhu cầu vitamin D của mỗi người là khác nhau nên không có mức bổ sung cố định nào dành cho tất cả mọi người.
Theo Viện Y học Mỹ (Institute of Medicine) thì mỗi người có thể tiêu thụ lên đến 4000 IU vitamin D một ngày. Mặc dù việc bổ sung lên đến 10.000 IU/ngày sẽ không gây ngộ độc ở người khỏe mạnh nhưng lợi ích có được cũng sẽ không lớn hơn so với mức bổ sung 4000 IU/ngày. (2)
Ngộ độc vitamin D xảy ra do sử dụng quá liều các sản phẩm bổ sung vitamin D. Đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc do chế độ ăn uống hay tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.
Mặc dù ngộ độc vitamin D là một vấn đề rất hiếm gặp nhưng sự gia tăng nhu cầu dùng các sản phẩm bổ sung trong thời gian gần đây có thể làm tăng tỷ lệ xảy ra vấn đề này.
Nếu tiêu thụ 40.000 – 100.000 IU (1000 – 2500 microgam) vitamin D/ngày và tiếp diễn trong vài tháng liên tục thì có thể sẽ bị ngộ độc. (3)
Đây là mức tiêu thụ gấp 10 – 25 lần khuyến nghị. Những người bị ngộ độc vitamin D thường có nồng độ trong máu vượt quá 150 ng/ml (375 nmol/L).
Trong một số trường hợp, nguyên nhân là do lỗi trong quá trình sản xuất, ví dụ như các sản phẩm bổ sung có chứa lượng vitamin D cao hơn gấp nhiều lần (100 – 4000 lần) so với lượng ghi trên nhãn.
Nồng độ vitamin D trong máu ở những trường hợp này dao động từ 257 – 620 ng/ml hay 644 – 1549 nmol/L.
Đa số những người bị ngộ độc vitamin D đều hồi phục sau khi điều trị nhưng những trường hợp nghiêm trọng có thể gặp phải biến chứng suy thận và vôi hóa động mạch. (4)
Tóm tắt: Lượng vitamin D tối đa mà mỗi người có thể bổ sung hàng ngày là 4000 IU. Việc tiêu thụ 40.000 – 100.000 IU/ngày (gấp 10 – 25 lần mức giới hạn trong khuyến nghị) có thể dẫn đến ngộ độc.
Các triệu chứng và phương pháp điều trị ngộ độc vitamin D
Hậu quả chính của ngộ độc vitamin D là tích tụ canxi trong máu, còn được gọi là tăng canxi huyết.
Các triệu chứng ban đầu của tăng canxi huyết gồm có buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón và mệt mỏi.
Tăng canxi huyết có thể dẫn đến các vấn đề như khát nước liên tục, giảm ý thức, tăng huyết áp, vôi hóa ống thận, suy thận hoặc mất thính giác.
Tình trạng tăng canxi huyết do thường xuyên bổ sung quá nhiều vitamin D có thể phải sau vài tháng mới hồi phục. Lý do là bởi vitamin D tích tụ trong các mô mỡ và được giải phóng từ từ vào máu.
Phương pháp điều trị ngộ độc vitamin D là tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hạn chế tối đa lượng vitamin D trong chế độ ăn uống và ngừng dùng viên uống bổ sung.
Ngoài ra, người bệnh có thể cần truyền dịch tĩnh mạch để tăng lượng muối và chất lỏng, từ đó đưa nồng độ canxi trong máu về mức bình thường.
Tóm tắt: Hậu quả chính của ngộ độc vitamin D là tăng canxi huyết với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, mệt mỏi và suy thận. Phương pháp điều trị là tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và ngừng tiêu thụ vitamin D.
Liều lượng vitamin D quá lớn có thể gây hại, ngay cả khi không có triệu chứng ngộ độc
Việc thường xuyên bổ sung lượng vitamin D quá lớn sẽ dẫn đến ngộ độc và các triệu chứng có thể không xảy ra ngay lập tức. Thông thường phải sau vài tháng hoặc vài năm thì các triệu chứng mất mới xuất hiện.
Đây là một trong những lý do tại sao ngộ độc vitamin D rất khó phát hiện.
Đã có báo cáo về những trường hợp dùng liều lượng vitamin D rất lớn trong nhiều tháng mà không có triệu chứng ngộ độc, chỉ khi làm xét nghiệm máu mới phát hiện thấy nồng độ canxi trong máu tăng cao nghiêm trọng và có các dấu hiệu của suy thận.
Tác hại của vitamin D rất phức tạp. Vitamin D liều quá cao có thể gây tăng canxi huyết mà không có biểu hiện ngộ độc và ngược lại, nhiều người gặp phải các triệu chứng ngộ độc mà không bị tăng canxi huyết.
Để đảm bảo an toàn thì không nên bổ sung quá 4.000 IU (100 mcg) vitamin D mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
Tóm tắt: Ngộ độc vitamin D thường xảy ra dần dần theo thời gian và tác hại của vitamin này rất phức tạp. Liều lượng vitamin D lớn có thể gây ngộ độc mà không có các triệu chứng rõ rệt.
Các chất khác nên bổ sung cùng với vitamin D
Đã có giả thuyết rằng hai loại vitamin tan trong chất béo khác là vitamin K và vitamin A có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ngộ độc vitamin D.
Vitamin K kích hoạt osteocalcin – một loại protein thúc đẩy sự tích tụ canxi trong xương và răng. Vitamin K còn kích hoạt matrix GLA protein, ngăn canxi tích tụ trong các mô mềm, chẳng hạn như mô thận và mạch máu. Nồng độ vitamin D cao có thể làm giảm nguồn dự trữ vitamin K của cơ thể.
Vitamin A có thể ngăn điều này xảy ra bằng cách bảo toàn nguồn dự trữ vitamin K.
Một chất dinh dưỡng khác cũng có vai trò quan trọng là magiê. Đây là một trong những khoáng chất cần thiết để cải thiện sức khỏe của xương.
Do đó, bổ sung vitamin A, vitamin K và magiê cùng với vitamin D sẽ giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ vôi hóa mô.
Tóm tắt: Bổ sung vitamin D cùng với vitamin A, vitamin K và magiê sẽ giúp làm giảm nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ của vitamin D.
Tóm tắt bài viết
Nhu cầu vitamin D của mỗi người là khác nhau và phản ứng của cơ thể với vitamin này cũng không giống nhau nên rất khó để xác định liều lượng bổ sung cụ thể.
Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều vitamin D trong thời gian dài có thể dẫn đến ngộ độc. Ngộ độc vitamin D sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể phải sau vài tháng hoặc thậm chí vài năm sử dụng vitamin D liều cao thì các triệu chứng mới xuất hiện.
Nói chung, chỉ nên giới hạn lượng vitamin D bổ sung mỗi ngày ở mức 4000 IU (100 microgam). Mặc dù bổ sung nhiều hơn một chút cũng không gây hại gì nhưng sẽ không mang lại thêm bất kỳ lợi ích nào cho sức khỏe, và do đó không cần thiết phải vượt quá 4000 IU.
Một số trường hợp cần vitamin D liều cao hơn để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhưng phải có sự cho phép của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Trong thời gian bổ sung có thể cần phải làm xét nghiệm máu để theo dõi nồng độ vitamin D.